Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Dệt may đã đóng góp cho sự phồn thịnh của đất nước
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VITAS, diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.
Đóng góp quan trọng vào xuất khẩu cả nước
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 đánh dấu 20 năm thành lập VITAS. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, VITAS đã cùng các đơn vị hội viên và các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của dệt may Việt Nam cũng như đóng góp cho sự phồn thịnh của đất nước. Ngành dệt may đã đóng tích cực cho giải quyết việc làm, không chỉ ở khu vực thành phố mà cả những vùng khó khăn, qua đó giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, ngành dệt may còn đóng góp quan trọng vào xuất khẩu cả nước. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng 106 lần so với cách đây 20 năm; là ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước với 3 triệu lao động, chiếm 1/4 số lao động toàn ngành công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VITAS.
Thủ tướng cho rằng, trong sự phát triển đó có sự đóng góp của VITAS đã làm tốt vai trò là cầu nối quan trọng giữa ngành với Chính phủ và cơ quan Nhà nước; đã tích cực, chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Từ đó, giúp các doanh nghiệp trong ngành mở rộng thị trường.
Đáp lời Thủ tướng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, Hiệp hội được thành lập từ năm 1999. Trong 20 năm qua, VITAS đã đồng hành cùng các hội viên và các doanh nghiệp trong ngành thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam. Từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất thấp, đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Đồng thời, từ chỗ chỉ có 159 hội viên đến nay VITAS đã có 478 hội viên chính thức và trên 500 hội viên liên kết. Bên cạnh đó, VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp; Tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn; Tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may, như: AFTEX, AFF, ITMF... Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình phát triển bền vững; Phối hợp hoạt động với một số liên đoàn dệt may các nước, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ý, Đức...
6 vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may
Thủ tướng khẳng định, thời gian qua ngành dệt may đã gặt hái được nhiều thành công, nhất là xuất khẩu. Song, trong thời gian tới, để có được nhiều thành quả hơn nữa Thủ tướng đã đặt ra 6 vấn đề với ngành dệt may, cụ thể: Thứ nhất, cần chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước, nhất là tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng, sẽ chiếm đến 50% dân số đến năm 2030. Đây là thị trường quan trọng để nghiên cứu cũng như là hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may. Sản phẩm dệt may “made in Việt Nam” không chỉ có mặt ở ngoài nước mà cả trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.
Thứ hai, ngành dệt may vẫn chưa thoát khỏi được tình trạng thiếu tự chủ, tự cường về nguyên liệu, chủ yếu chỉ sản xuất sợi và gia công sản phẩm. Hiện nay, 60% nguyên liệu xơ sợi phải nhập khẩu. Việt Nam chưa làm chủ và phát triển được các công đoạn sản xuất, như: nhuộm, chế tạo các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp. Đó là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng chưa cao.
Thứ ba, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc với kim ngạch chiếm tỷ lệ đến 78% tổng kim ngạch của toàn ngành, 28/36 tỷ USD xuất khẩu năm 2018, trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8% và vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%. Cơ cấu sản phẩm phải tính lại một cách cụ thể hơn để có sự phân công sản xuất tốt hơn.
Thứ tư, cơ cấu lao động ngành còn hạn chế. Cuối năm 2018, trong gần 3 triệu lao động đang làm việc ở 7.000 doanh nghiệp dệt may trong cả nước, thì có khoảng 25% lao động có đào tạo chuyên môn còn lại 75% lao động chưa qua đào tạo, chủ yếu bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc có 17% là học tiểu học.
Thứ năm, kinh tế nước ta ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đây là điều đáng mừng, song nhân công giá rẻ vốn là lợi thế cạnh tranh lâu nay của nhiều ngành trong ngành dệt may đang mất dần lợi thế. Thủ tướng cho biết, theo mô hình đàn sếu bay, thì lợi thế cạnh tranh này sẽ chuyển sang các nước kém phát triển hơn. Vậy, ngành dệt may trong thời gian tới sẽ phải làm gì để tự nâng mình lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế để tiếp tục giữ vững vị trí cường quốc dệt may của thế giới?
Thứ sáu, công tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bộc lộ những bất cập. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% số doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, có một số nguy cơ trắng các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp này. Nhiệm vụ của Hiệp hội chính là làm sao khắc phục được tình trạng này.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là bên cạnh đại bộ phận đời sống công nhân nói chung là tốt, thì một số doanh nghiệp đời sống công nhân thấp. Do vậy, Hiệp hội cần chú ý đến vấn đề này, làm thế nào để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đến năm 2030, có ít nhất 30 thương hiệu đứng đầu thế giới
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng đã định hướng một số nhiệm vụ của ngành dệt may trong thời giam tới. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành dệt may cần tận dụng các lợi thế, thời cơ, nhận diện các nguy cơ. Đặc biệt, ngành cần tạo dựng thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, sản phẩm trong khu vực và thế giới, mang lại lợi ích lâu dài.
Cụ thể, đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới; đồng thời phấn đấu xuất khẩu đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Dệt may phải thuộc tốp đầu của thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.
Dệt may Việt Nam phải đứng tốp đầu của thế giới và cần có tinh thần tự cường trong phát triển và phải hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, các chuỗi giá trị toàn cầu, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội; tham gia các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước; chủ động tham gia các FTA.
Chủ động xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó có quản trị doanh nghiệp và nâng cao trình độ công nhân.
Đồng thời, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phổ biến chính sách, luật pháp, những kinh nghiệm thành công và không thành công. Hiệp hội cũng phải là đầu mối giúp các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ mới, nhất là lĩnh vực sản xuất vải, phụ liệu, nâng cao năng suất, hiệu quả, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.
“Ngành dệt may Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ, có hoài bão và quyết tâm như hai đội bóng đá vừa thành công tại SEA Games”, Thủ tướng nói.
Còn về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, ủng hộ, hỗ trợ và cũng mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng hệ thống chính sách của Nhà nước kiến tạo phục vụ và phát triển.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Vũ Đức Giang bày tỏ lời cảm ơn tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan, tới cộng đồng, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam và cả những doanh nghiệp FDI đã đầu tư, quản trị điều hành và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trên chặng đường 20 năm vừa qua để có được kết quả như ngày hôm nay. Ông Vũ Đức Giang khẳng định, sự phát triển bền vững của ngành phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn dài hạn, nhất quán và minh bạch của Chính phủ…
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam./.
Bình luận