Thức ăn nhanh, đồ ăn bắt mắt, nhanh, gọn

Sức hút khó cưỡng của thức ăn nhanh

Trong nhà hàng những món thức ăn được thông báo số calories (năng lượng) cung cấp, hương vị hấp dẫn, giá cả phải chăng là những ưu điểm mà thực khách thừa nhận. Khung cảnh ấm cúng, trang trí sang trọng, hiện đại hấp dẫn giới trẻ. Thêm nữa họ dùng chiêu quảng cáo, đánh vào tâm lý của giới trẻ, vô nhà hàng ăn nhanh là sành điệu, là thể hiện lối sống hiện đại. Các hình thức khuyến mại cũng vô cùng hấp dẫn như tặng đồ chơi, phiếu rút thăm trúng thưởng, phiếu giảm giá cho lần ăn tiếp theo... Những chiêu ấy kích thích sự hiếu kỳ và ham muốn hưởng thụ của thanh thiếu niên. Giới nhà giàu thì tò mò, đưa cả gia đình đến thưởng thức, muốn thể hiện đẳng cấp “gia đình hiện đại”. Sự lên ngôi của thức ăn nhanh là một thực tế không thể phủ nhận, tuy nhiên nó cũng tồn tại một số điều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở các nước phương Tây, khi lựa chọn thức ăn nhanh, người ta nghĩ ngay đến tính tiện lợi, gọn nhẹ, làm sao "lấp đầy dạ dày rỗng" trong thời gian ngắn nhất, sau đó tiếp tục làm việc, học hành. Còn với nhiều người Việt Nam, fast food không chỉ là thức ăn nhanh, mà được hiểu đơn giản giống như đồ ăn vặt, thức ăn vỉa hè. Vì thế, khi du nhập vào Việt Nam, fast food nhanh chóng được đón nhận bởi phù hợp với thói quen dùng thức ăn đường phố, hàng quán của người dân.

Ngoài ra, khách đến cửa hàng fast food còn để trải nghiệm cảm giác mới lạ. Linh (23 tuổi, nhân viên) là một khách hàng thường xuyên của các cửa hàng fast food cho biết: “Khi ăn thức ăn nhanh, mình có cảm giác giống như người nước ngoài, cũng chuyên nghiệp và hiện đại như họ”. Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng mức độ an toàn thực phẩm của fast food cao hơn so với món ăn trên vỉa hè, tốt cho sức khỏe hơn. Như vậy, chất lượng thức ăn chỉ là một phần nhỏ để thu hút khách hàng. Những yếu tố khác như không gian, phục vụ, trải nghiệm mới… chính là điểm quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi fastfood ở Việt Nam.

Dù hút khách nhưng fastfood không thể thay thế quán ăn truyền thống

Fastfood ngày càng phát triển nhanh chóng nhưng không thể thay thế các món ăn truyền thống

Có thể nói, chắc chắn gà rán và hamburger không thay thế được phở, cũng như cà phê espresso và capuchino không thay được cà phê phin. Dù ngon, tiện lợi, giàu dinh dưỡng nhưng thức ăn nhanh không thể sánh được với những món ăn mang hương vị nước lèo thơm phức như phở, hủ tiếu, bún bò, cháo… Hay một con gà được rán bằng dầu mỡ cũng không thơm ngon bằng món gà quay than thơm phức. Hơn nữa, thức ăn nhanh cũng tiềm ẩn nguy cơ béo phì, các bệnh về tim mạch do giàu dinh dưỡng và chứa nhiều cholesterol… so với những món ăn chứa nhiều rau tươi phở, lẩu...thì thức ăn nhanh không tốt bằng. Do đó, sự thơm ngon, nhanh tiện rẻ cũng không thể thay thế cho các món ăn truyền thống đặc biệt là các món ăn có hương vị nước lèo và nhiều rau xanh cũng như mùi, vị đậm đà của các món ăn dân tộc.

Tóm lại, fastfood trở nên phổ biến cũng nhờ việc không mất thời gian chế biến, tiện dụng, có thể vừa ăn vừa tán chuyện, hương vị khá ngon, màu sắc hấp dẫn, cộng thêm nhiều chương trình quảng cáo trẻ trung hết sức bắt mắt và những hình thức khuyến mại dễ hợp lòng người, đã níu chân nhiều bạn trẻ mỗi khi đi qua các cửa hàng này. Nhưng những hàng quán truyền thống vẫn có một sức hấp dẫn riêng về hương vị và bản sắc bởi thế dù phát triển tới đâu nhưng thức ăn nhanh vẫn không thể thay thế hoàn toàn các món ăn truyền thống.