Chuyển đổi số và các lợi ích đối với doanh nghiệp

Theo bà Thủy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”.

Các hoạt động chuyển đổi số bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển bền vững
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Quyền

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh, xanh và bền vững hơn. Qua đó, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ tác động tích cực đến cả các yếu tố bên ngoài về kinh doanh, thị trường, khách hàng và cả các yếu tố bên trong về quản trị, vận hành, nhân sự, an toàn và tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Theo đó, giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm, cá nhân hoá sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, nhờ đó giúp giảm sản xuất ra các sản phẩm dư thừa, thải bỏ ra môi trường.

Một ví dụ điển hình được bà Thủy dẫn chứng là BlockBuster, từng là công ty số một trên thị trường kinh doanh, cho thuê băng đĩa với thời điểm cao điểm năm 2004 có tới 9.000 cửa hàng trên toàn cầu, doanh thu gần 7 tỷ USD. Năm 2007, Netflix triển khai cung cấp dịch vụ video streaming và xem phim trực tuyến theo nhu cầu cho phép khách hàng có trải nghiệm về một dịch vụ xem phim mới thay thế hoàn toàn việc thuê băng đĩa truyền thống trước đây. Trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời của Netflix đã dẫn tới sự sụp đổ của BlockBuster năm 2012, chỉ 5 năm sau thời kỳ đỉnh cao.

Chuyển đổi số mặt khác giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tập khách hàng thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, nhờ đó giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời giúp doanh nghiệp thiết kế, sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, hướng tới nền sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận. Dẫn số liệu từ Báo cáo “Các hoạt động chuyển đổi số - tối ưu hóa hiệu quả đầu tư” vào năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Thủy cho biết, việc đầu tư vào các công nghệ đã giúp cho hiệu suất lao động của nhân viên năm 2016 tăng lên hơn 40% so với năm 2006. Đối với các doanh nghiệp dẫn đầu các ngành, thì tốc độ tăng trưởng hiệu suất lao động hàng năm là 12%, các doanh nghiệp khác là 2%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số là điều kiện để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có điều kiện áp dụng công nghệ mới, xanh, sạch, tự động hóa, sử dụng năng lượng tự nhiên như: mặt trời, gió, nước…

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp công nghệ số trong nông nghiệp giúp cải thiện nhiều khía cạnh trong chuỗi giá trị, thông tin chuyên sâu từ dữ liệu số giúp người nông dân nâng cao hiệu quả và lợi nhuận. Bên cạnh đó, công nghệ số thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh, qua đó thúc đẩy sản xuất xanh.

Xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ về thực trạng hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay, bà Thủy nhận định đây là xu thế diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối.

Theo số liệu được bà Thủy đưa ra, ước tính hiện có khoảng 100.000 cửa hàng tại Việt Nam đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Tiki, Lazada, Shopee... Dù chưa có các thống kê chính thức, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima...) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu ý được bà Thủy chỉ ra là trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, hoạt động chuyển đối số diễn ra còn chậm, số lượng doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp: ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương... còn hạn chế

Hiện nhiều doanh nghiệp bước đầu ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản. Theo đó, hơn 60% doanh nghiệp sử dụng các phần mềm kế toán; trên 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử. Hầu như các doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số, các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến được ứng dụng tại đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistics, giao nhận, thương mại, xuất - nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất... hoạt động theo những phương thức mới.

Thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Theo nhận định của đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp, một trong những điểm thuận lợi của doanh nghiệp trong nước đó là Việt Nam luôn duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, đây là điểm sáng tích cực được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại di động thông minh, mạng xã hội thuộc hàng đầu khu vực. Lực lượng giới trẻ đông đảo, tiếp cận nhanh với công nghệ.

“Những năm gần đây, Việt Nam liên tục lọt vào nhóm đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử. Ngành công nghệ thông tin được Chính phủ lựa chọn là một trong những ngành mũi nhọn. Theo báo cáo về chỉ số kỹ năng của Coursera năm 2020, Việt Nam xếp hạng 22 toàn cầu về “công nghệ” nói chung (xếp hạng 2 châu Á) và hạng 53 về “khoa học dữ liệu””, bà Thủy cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số khó khăn trong quá trình chuyển đối số. Trước hết, chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất (chỉ bằng 0,4% GDP so với 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% Trung Quốc). Trong khi đó, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan; tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet còn thấp chỉ đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia, hầu hết vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.

Một yếu tố rất đáng lưu ý khác được bà Thủy chỉ ra là chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp đã và đang là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn chưa nhiều, nhiều giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn thiếu tính minh bạch, ảnh hưởng tới tâm lý e ngại khi áp dụng công nghệ.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển. Lực lượng nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu kỹ năng mềm cần thiết. Bên cạnh đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Đề xuất giải pháp thuận lợi hóa chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành khung quy định pháp lý cùng nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số mô hình kinh doanh, sớm đạt được các mục tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả hướng tới nền sản xuất xanh, tuần hoàn, bền vững, bà Thủy khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Cloud Computing, IoT, Công nghệ Robotic, Công nghệ thực tế ảo VR… vào các hoạt động của doanh nghiệp, tận dụng các yếu tố công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, chuyển sang mô hình sản xuất kinh doanh xanh, bền vững.

Cũng theo khuyến nghị của bà Thủy, một nhân tố rất quan trọng là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong toàn doanh nghiệp. Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là sự thay đổi quy mô lớn, đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh cơ bản song mang lại tác động tích cực lớn đến sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.

Đồng thời nâng cao năng lực quản trị nội bộ để chuẩn bị đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi. Theo đó, mô hình quản trị cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ. Doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình kinh doanh trước khi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực nội bộ có chuyên môn tốt để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số./.