Tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Tháo gỡ điểm nghẽn để tiệm cận với nền nông nghiệp xanh
GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Ảnh: Anh Quyền

Tuy nhiên, GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Chẳng hạn, dù là nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhưng chỉ số an ninh lương thực của chúng ta chỉ ở mức trung bình.

CHỈ SỐ AN NINH LƯƠNG THỰC

Quốc gia

Chỉ số (thang điểm 100)

Thứ tự toàn cầu

Thụy Sỹ

79,0

1

Mỹ

77,5

8

Úc

76,0

13

Singapore

75,2

16

Trung Quốc

58,5

47

Thái Lan

54,0

53

Việt Nam

49,7

63

Nguồn: Global Food Security Index, 2019

Mô hình tăng trưởng của nông nghiệp dựa vào sản lượng và năng suất đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới – nông nghiệp xanh trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Mặc dù vậy, để có thể tiệm cận với nền nông nghiệp xanh, Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, đó là nguồn tài nguyên bị thu hẹp; cơ sở hạ tầng hạn chế; nguồn lực lao động giảm và chất lượng thấp; khoa học công nghệ còn thiếu nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu; rủi ro cao, năng lực quản trị thấp; sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản thấp; hiệu quả kinh tế và thu nhập thấp.

Do đó, để phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững trong thời gian tới, Việt Nam phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện. GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi ý một số trọng tâm cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, mâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, hạn chế suy thoái. Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hạn chế sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường đất, nước. Sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào, giảm thiểu sử dụng hoá chất.

Thứ hai, cải thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông đường thuỷ. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở chế biến và hệ thống kho chứa.

Thứ ba, đào tạo theo hướng chuyên sâu hơn, đặc biệt là đào tạo công nhân lành nghề.

Thứ tư, tập trung phát triển nghiên cứu cơ bản về công nghệ cao, công nghệ chính xác và công nghệ thông tin trong nông nghiệp, chuyển khoa học công nghệ phục vụ nâng cao năng suất sang chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ năm, quy hoạch lại ngành theo hướng chuyên canh, tập trung, phát huy lợi thế vùng. Phát triển hệ thống liên kết sản xuất có hợp đồng, hệ thống bảo hiểm.

Cuối cùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản, cần đẩy mạnh hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm/minh bạch thông tin (liên kết sản xuất). Thúc đẩy sàn giao dịch điện tử trên nền tảng minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Tăng cường năng lực chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu (gia tăng giá trị và vượt qua hàng rào kỹ thuật). Tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn và chế biến sâu các phụ phẩm nông nghiệp./.