Đảm bảo an ninh năng lượng phải là giải pháp bao trùm trong chuyển dịch năng lượng
Nhận định trên của ông Hưng được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào sáng nay, ngày 24/9.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Quyền |
Tổng phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng ở mức 1,86 lần trong giai đoạn 2010-2020
TS. Hưng thông tin, diễn biến kinh tế năng lượng giai đoạn 2010-2020 của nước ta cho thấy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa tăng nhanh, cơ giới hóa, mức sống cao, đã khiến tổng phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng ở mức là 1,86 lần; tỷ lệ nhập khẩu ròng năng lượng trên tổng năng lượng sơ cấp là 48% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tiêu thụ điện tính theo bình quân đầu người và tỷ lệ điện hóa trong năng lượng cuối cùng cũng tăng nhanh. Tăng trưởng năng lượng sơ cấp tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng nhập khẩu ròng năng lượng trong tổng năng lượng sơ cấp tăng mạnh. Cường độ phát thải trong hoạt động năng lượng tăng cùng tốc độ với mức tăng năng lượng sơ cấp.
Với thực trạng nói trên, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, như: Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2068/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 280/QĐ-TTg Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg vào năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg năm 2022 Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 là đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
3 kịch bản phát triển năng lượng
TS. Hưng cũng đưa ra các phương pháp dự báo dưới lên với mô hình TIMES, với kịch bản phát triển bình thường cơ sở là:
Kịch bản GDP tăng trưởng trung bình + Mức tiết kiệm năng lượng thấp (tỷ lệ thâm nhập thiết bị hiệu suất cao 5%-10%).
Kịch bản phát triển bình thường cao: Kịch bản GDP tăng trưởng cao + Mức tiết kiệm năng lượng thấp (tỷ lệ thâm nhập thiết bị hiệu suất cao 5%-10%).
Kịch bản quy hoạch cơ sở: Kịch bản tăng trưởng trung bình + Tỷ trọng năng lượng tái tạo phù hợp với Nghị quyết số 55 (năm 2030: 15%-20%, năm 2045: 25%-30%) + Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết tại COP26 (Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) + Các chỉ tiêu khác tại Nghị quyết số 55 được đối chứng mức độ phù hợp từ kết quả.
Kịch bản quy hoạch cao: Kịch bản tăng trưởng cao + Tỷ trọng năng lượng tái tạo phù hợp với Nghị quyết số 55 (năm 2030: 15%-20%, năm 2045: 25%-30%) + Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết tại COP26 (Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) + Các chỉ tiêu khác tại Nghị quyết số 55 được đối chứng mức độ phù hợp từ kết quả.
Chuyển dịch năng lượng cơ bản đối với 5 loại năng lượng
TS. Hưng đưa ra các định hướng chuyển dịch năng lượng cơ bản trong thời gian tới, đó là:
Đối với khí: Khí tự nhiên trong nước sẽ được sử dụng tối đa. Ưu tiên sử dụng khí tự nhiên cho hộ tiêu thụ công nghiệp và phi năng lượng. Khí tự nhiên ở các nhà máy điện sẽ dần được thay thế theo một lộ trình bằng nhiên liệu hydro.
Đối với dầu: Dầu thô khai thác trong nước sẽ được sử dụng tối đa cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Năng lực lọc dầu được phát triển đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng, dầu trong nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa dầu.
Đối với than: Than cần sử dụng cho các mục đích phi năng lượng sản xuất phân đạm, hóa chất và hydro được khuyến khích phát triển để đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh xuất khẩu đối với các chủng loại than chất lượng cao.
Sinh khối được ưu tiên sử dụng tối đa trong sản xuất điện và đồng phát nhiệt điện trong các ngành công nghiệp để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch. Đẩy mạnh phát triển nhiên liệu sinh học cao cấp giai đoạn sau năm 2030 để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải.
Nhiên liệu gốc hydro: Giai đoạn đến năm 2030 cần phát triển các dự án sản xuất hydro ở quy mô nhỏ thông qua công nghệ điện phân hoặc khí hóa than. Sau năm 2030 nhu cầu hydro sẽ tăng nhanh trong sản xuất điện, giao thông vận tải và công nghiệp nặng.
Đồng bộ các giải pháp chuyển dịch năng lượng
Đại diện Viện Năng lượng cũng đưa ra các giải pháp chuyển dịch năng lượng. Theo đó, giải pháp bao trùm vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng, như: Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác năng lượng sơ cấp; tận dụng tối đa tài nguyên năng lượng trong nước, tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá trong cung cấp năng lượng; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện và các mục đích khác; nâng cao khả năng dự trữ đáp ứng mục tiêu dự trữ xăng dầu; thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất.
Hai là, theo đó cần giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, cần thực hiện đồng bộ trong các tòa nhà dân dụng, tòa nhà công nghiệp.
Ba là, tăng cường điện hóa trong các ngành kinh tế. Tăng tỷ trọng các phương tiện/thiết bị sử dụng điện trong toàn bộ các ngành kinh tế.
Bốn là, phát triển điện lực. Theo đó, cần hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới; phát triển với tỷ trọng hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí có hiệu suất cao, tính linh hoạt cao; xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện hiện có.
Năm là, phát triển năng lượng tái tạo. Phát triển mạnh các loại hình điện năng lượng tái tạo, đặc biệt chú trọng phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời lòng hồ, các dự án điện năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu điện tại chỗ...
Sáu là, phát triển nhiên liệu hydrogen và các nhiên liệu nguồn gốc hydrogen: Nhiên liệu hydrogen; nhiên liệu dựa trên nguồn hydrogen: Amonia (NH3); nhiên liệu tổng hợp.
Bảy là, thu hồi, sử dụng và lưu giữ carbon (CCUS): Thu hồi CO2 trong sản xuất công nghiệp, nhà máy nhiệt điện và các quá trình sản xuất hydro từ than và khí tự nhiên; sử dụng CO2 trong sản xuất hoá chất, vật liệu xây dựng, hoạt động nông nghiệp, quá trình sản xuất nhiên liệu tổng hợp...; thực hiện các biện pháp lưu giữ CO2…/.
Bình luận