Tích cực cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN, KKT tỉnh Kon Tum
Quốc môn, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum |
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được biết, thời gian qua Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum (Ban Quản lý) đã luôn tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn được phân cấp.
Năm 2022, Ban Quản lý đã chủ động xây dựng chương trình công tác trọng tâm năm 2022; trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh. Với những cố gắng lớn của Ban Quản lý, năm 2022 môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT tỉnh Kon Tum có nhiều biến chuyển tích cực, góp phần quan trọng tạo “lực kéo” thu hút đầu tư vào các KCN, KKT quốc tế Bờ Y.
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN Hòa Bình, tỉnh Kon Tum |
Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, KKT
Với những cố gắng nỗ lực trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của Ban Quản lý KKT Tỉnh, tình hình thu hút đầu tư tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN trong Tỉnh năm 2022 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 21/12/2022, Ban Quản lý KKT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 13 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 191,25 tỷ đồng (trong đó: KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y 05 dự án; KCN Hòa Bình 07 dự án; KCN Sao Mai 01 dự án); quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 11 dự án; chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND Tỉnh cho 01 dự án; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án; hiệu đính 01 dự án; ngừng hoạt động 02 dự án; chấm dứt hoạt động 11 dự án.
Tính đến hiện nay, tại các KCN, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 111 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.237,253 tỷ đồng. Trong đó, có 72 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng năm các doanh nghiệp KCN, KKT nộp ngân sách nhà nước trên 80 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 2.000 người lao động trong và ngoài Tỉnh.
Công nhân đang làm việc trong KCN Hòa Bình, tỉnh Kon Tum |
Về tình hình thực tế hoạt động của các KCN, KKT hiện nay như sau:
Tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có tổng số 65 dự án/54 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.423,159 tỷ đồng; vốn thực hiện 867,659 tỷ đồng.
Tình hình hoạt động của các dự án trong KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y cụ thể như sau: 45 dự án/38 doanh nghiệp đang hoạt động; 7 dự án/7 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 01 dự án đã hoàn thành đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động; 12 dự án/10 doanh nghiệp đang triển khai lập thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng.
KCN Hòa Bình có tổng số 41 dự án/37 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đăng ký là 816,063 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt 417,933 tỷ đồng; tổng diện tích là 50,29 ha.
Hoạt động của các dự án trong KCN Hòa Bình cụ thể như sau: 27 dự án/26 doanh nghiệp đang hoạt động; 3 dự án/3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 01 dự án/01 doanh nghiệp hoàn thành nhưng chưa hoạt động; 10 dự án đang lập thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng.
KCN Sao Mai hiện có 04 dự án/ 04 doanh nghiệp đang đầu tư với tổng vốn đăng ký 692 tỷ đồng; vốn thực hiện 28,834 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong KCN Sao Mai đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy với tổng diện tích 417.181m2.
KCN Đăk Tô hiện nay có 01 dự án/01 doanh nghiệp (Dự án Nhà máy giấy và Bột giấy Tân Mai) đang triển khai đầu tư; với tổng vốn đăng ký là 1.306,031 tỷ đồng; vốn thực hiện 632,808 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất chế biến mủ cao su của Công ty cao su Kon Tum tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y |
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT
Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư năm 2022 là nhờ ngay từ đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021-2022; rà soát, lập danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong các KCN, KKT. Mặt khác, việc bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm công tác tốt để hướng dẫn, hỗ trợ và giúp nhà đầu tư trong quá trình lập và triển khai các thủ tục đầu tư vào KKT, KCN cũng đã góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN, KKT của Tỉnh.
Công nhân đang làm việc trong KCN Hòa Bình, tỉnh Kon Tum |
Một số nhiệm vụ cải cách hành chính đã được triển khai hiệu quả trong năm 2022, cụ thể:
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử cơ quan, đẩy mạnh thực hiện xử lý, giải quyết các thủ tục đầu tư trên môi trường mạng. Theo đó, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, gỡ bỏ, cập nhật các nội dung mới ban hành, thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin về ưu đãi đầu tư, danh mục kêu gọi đầu tư, các thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của cơ quan. Công bố công khai thủ tục hành chính, quy hoạch, quỹ đất, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư và quy trình thủ tục đầu tư, đường dây tiếp nhận phản ánh kiến nghị…, để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư, lập kênh zalo để hỗ trợ các nhà đầu tư và các doanh nghiệp KCN, KKT.
Việc chuyển đổi số trong công tác điều hành và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh. Ban đã thực hiện việc tiếp nhận, chuyển văn bản đi, đến qua phần mềm eoffice, chữ ký số, xây dựng phòng họp trực tuyến. Qua đó, đã đổi mới quy trình nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian xử lý công việc…, góp phần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình chấp hành các quy định pháp luật của các nhà đầu tư.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 23/11/2022, tổng số thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ và trả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh là 73 thủ tục hành chính; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã được trả kết quả đúng hạn, trước hạn; bình quân cắt giảm từ 30% đến 45%. Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý KKT được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” của Tỉnh.
Mặt khác, Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh đã tích cực hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam xây dựng ứng dụng, cập nhật dữ liệu dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức bản đồ số địa điểm đầu tư của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN tỉnh Kon Tum năm 2022 lên trang http://vsmartinvest.gov.vn; http://bandosodautu.gov.vn, để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin về xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư.
Các KCN tỉnh Kon Tum đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN |
Với vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế thường xuyên tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Tỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến nhiệm vụ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn, điển hình là tham mưu UBND Tỉnh ban hành đề án “Phát triển KKT, các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030” và trình bổ sung KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Qua đó, góp phần quan trọng tạo động lực để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai quy hoạch đảm bảo hợp lý và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư; tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các KCN, cụm công nghiệp ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trong các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn…
Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y thông thương sang cửa khẩu Phoukeua, tỉnh Attapeu (Lào) |
Ngoài ra, Ban Quản lý luôn chú trọng quan tâm đến công tác đối ngoại với nước bạn, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Cửa khẩu quốc tế Phu Cưa (Lào) trong công tác quản lý cửa khẩu. Hai bên thường xuyên thông báo cho nhau các thông tin có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, chủ trương chính sách của nước bạn trong phòng chống dịch Covid-19, kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các ngành công tác tại hai cửa khẩu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hoạt động trong môi trường đặc thù tương đối phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu luôn được Ban Quản lý duy trì thường xuyên; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được củng cố và tăng cường. Các lực lượng làm nhiệm vụ tại hai cửa khẩu thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương qua cửa khẩu, tạo động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong KKT.
Cổng ngoài KCN Hòa Bình, tỉnh Kon Tum |
Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh năng động, lành mạnh và hiệu quả
KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 01 cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào và 01 cửa khẩu Quốc gia thông thương với nước bạn Campuchia, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của KKT (đã được Thủ tướng 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia phê duyệt quy hoạch tại tuyên bố Viêng Chăn ngày 24/11/2004 về việc thiết lập tam giác phát triển 3 nước Việt Nam- Lào – Campuchia). KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y là điểm nhấn trong chiến lược liên kết giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông; là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanma. Với vị trí chiến lược quan trọng đó, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất thuận lợi về giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của các nước.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum |
Hiện nay KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đánh giá là là KKT động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có quy chế hoạt động riêng, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ; phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông – Tây của khu vực, nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện về địa lý - chính trị - kinh tế - xã hội; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Với vị trí chiến lược quan trọng của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y đối với quốc gia và quốc tế, để tạo điểm nhấn cho KKT, Ban Quản lý KKT Tỉnh luôn phấn đấu nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh năng động, lành mạnh và hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Nhằm học hỏi kinh nghiệm quản lý và phát triển các KCN, KKT của các địa phương, thời gian qua, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum tăng cường đẩy mạnh công tác giao lưu với các Ban Quản lý KCN, KKT địa phương bạn. Thông qua các chương trình gặp gỡ giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và thu hút đầu tư với các địa phương bạn đã giúp Ban Quản lý mở rộng thêm nhiều mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực các bên cùng quan tâm, đồng thời tạo cơ hội để giúp các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư trong các KCN, KKT của Tỉnh.
Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum tích cực tham gia các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ do Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung phát động để rèn luyện sức khỏe và tạo sự gắn kết trong các hoạt động chuyên môn |
Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT nhằm tạo quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phối hợp với các ngành chức năng tạo thuận lợi rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… đối với các dự án đã đăng ký đầu tư vào KKT, KCN. Qua đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đồng thời xử lý hoặc đề xuất xử lý kịp thời đối với các vi phạm trong hoạt động đầu tư tại KKT, KCN.
Với nhiều lợi thế quan trọng của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y cùng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đối với KKT, đặc biệt là tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động công tác của cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã góp phần quan trọng đẩy mạnh đầu tư phát triển KKT và các KCN của Kon Tum. Chắc chắn trong thời gian tới, diện mạo KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN trên địa bàn Tỉnh sẽ ngày một phát triển khởi sắc, để thực sự xứng đáng trở thành trung tâm kinh tế động lực của cả nước và của cả khu vực./.
Khách sạn của BMC trong KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y |
Bình luận