Tích cực, chủ động thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh
Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và định hướng thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh trong thời gian tới”, diễn ra vào ngày 14/6/2022 tại tỉnh Bắc Ninh |
PV: Được ví như “Trung tâm công nghiệp” của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và của miền Bắc nói chung, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển các KCN. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn, xin ông giới thiệu đôi nét về kết quả mà các KCN của Tỉnh đã đạt được?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 KCN tập trung với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN đã và đang được triển khai thực hiện đầu tư; với tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển KCN được duyệt là 6.397,68 ha (trong đó diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng là 2,238,92 ha); tỷ lệ lấp đầy bình quân trên diện tích đất quy hoạch của các KCN đã được thành lập đạt 54,23%.
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, có 24 dự án hạ tầng KCN được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại 16 KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 2.118,45 triệu USD. Trong đó có 10 KCN đã và đang đi vào hoạt động với 11 dự án đầu tư hạ tầng; 6 KCN với 13 dự án đã được Quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng hạ tầng dự án.
Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh của các dự án đầu tư hạ tầng KCN là 2.118,45 triệu USD, trong đó có 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 263,91 triệu USD; 21 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng (tương đương 1.854,54 triệu USD).
Đến nay, các KCN đang hoạt động đã thu hút được 1.756 dự án đầu tư thứ cấp (DDI là 560 dự án, FDI là 1.196 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 23 tỷ USD (DDI là 66.848,57 tỷ đồng, tương đương 3.090,18 triệu USD; FDI là 19.861,8 triệu USD).
Riêng ước 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cấp mới 38 dự án với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.
Hiện nay, tại các KCN đã đi vào hoạt động có 1.165 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho gần 320.000 người lao động ở trong và ngoài Tỉnh, và cả lao động người nước ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN phát triển đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp (các KCN chiếm gần 90% giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với thu nhập bình quân chung của người lao động đạt khoảng 8,75 triệu đồng/người/tháng.
PV: Những nguyên nhân quan trọng nào để các KCN Bắc Ninh thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, thưa ông?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Với chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn “Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” của UBND tỉnh Bắc Ninh và tinh thần trách nhiệm cao của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn đóng vai trò đầu tàu quản lý và vận hành hiệu quả mọi hoạt động trong các KCN trên địa bàn.
Với phương châm hoạt động “Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh”, Ban Quản lý đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các KCN Bắc Ninh.
Trong công tác quản lý nhà nước, Ban Quản lý quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “Hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN, củng cố lại Phòng đại diện trên cơ sở thiết lập bộ phận “Một cửa tại chỗ” ngay tại các KCN (hiện đang thử nghiệm tại KCN Tiên Sơn).
Đồng thời triển khai thực hiện, duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo đúng kế hoạch; Nghiêm túc thực hiện quy định về một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; 100% hồ sơ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh ngay từ khi thành lập Trung tâm Hành chính công Tỉnh; Công khai thủ tục hành chính tại Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh và trên Cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý (iza.bacninh.gov.vn). Mặt khác, thường xuyên rà soát và đăng ký việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ đã đăng ký.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh tiếp nhận gần 6.000 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, gấp đôi số thủ tục hành chính tiếp nhận cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 65% số hồ sơ tiếp nhận cả năm 2021. Số hồ sơ nộp trực tuyến chiếm hơn 70% hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, số hồ sơ trả sớm, trả đúng hạn là gần 4.000 hồ sơ; không có hồ sơ chậm muộn.
Số lượng văn bản đi-đến phát hành, tiếp nhận và xử lý trong năm 2021 lên tới hơn 11.000 văn bản; Ước trong 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4.200 văn bản. 100% khối lượng văn bản, hồ sơ tiếp nhận, xử lý đảm bảo đúng và sớm so với thời hạn quy định; việc lưu trữ hồ sơ đầy đủ, khoa học, dễ truy xuất.
Qua đó đã giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh một cách minh bạch, bình đẳng và văn minh.
Toàn cảnh khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh |
PV: Xin ông cho biết Ban Quản lý có định hướng và giải pháp then chốt nào để thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các KCN trong thời gian tới?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Năm 2022 Ban Quản lý đặt ra mục tiêu thu hút được khoảng 105 dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN Tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 1.150 triệu USD.
Về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN Tỉnh, Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển hạ tầng KCN theo chức năng, vai trò Vùng và định hướng thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, cụ thể:
Thứ nhất, về định hướng phát triển hạ tầng KCN theo chức năng, vai trò Vùng:
Thung lũng công nghệ điện tử - Huyện Yên Phong: Phát triển trọng tâm vào các ngành sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử quy mô lớn. Khuyến khích phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển thiết bị điện tử trên địa bàn; Mở rộng hạ tầng các KCN sẵn có như KCN Yên Phong I, KCN Yên Phong II.
Hành lang công nghiệp huyện Quế Võ: Hướng tới phát triển hành lang công nghiệp, dịch vụ, trở thành Thị xã-Đô thị vệ tinh của tỉnh Bắc Ninh. Tập trung vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử; Hàng không vũ trụ; Sản xuất công nghệ cao, tận dụng tuyến đường kết nối đến cảng Hải Phòng.
KCN mới (tại huyện Thuận Thành, Lương Tài và Gia Bình): Dự kiến phát triển công nghiệp tại 03 khu vực (khu vực xã An Thịnh nằm ở phía Đông; khu vực xã Lâm Thao, Phú Lương nằm ở phía Tây Nam; khu vực xã Bình Định, Quảng Phú nằm ở phía Tây huyện Lương Tài). KCN mới tập trung vào mô hình KCN sinh thái; tận dụng lợi thế về môi trường và vùng nguyên liệu để phát triển dược phẩm và thiết bị y tế, công nghệ y khoa; sản xuất công nghệ cao.
Phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao và công nghệ thông tin, định hướng trở thành một cụm phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh và khu vực đồng bằng sông Hồng; với các trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ.
Thứ hai, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ:
Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế; tiếp tục thu hút nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, sản xuất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Ưu tiên các dự án vệ tinh trong chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm, các dự án điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm đồ uống.
Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo, rút ngắn khoảng cách trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đầu tư trong các KCN.
Về một số giải pháp chủ yếu trong thu hút đầu tư, thời gian tới Ban Quản lý tích cực tham mưu cho UBND Tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh định hướng và chiến lược thu hút FDI dài hạn, tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI lớn. Đồng thời phối hợp với các Sở, ban ngành đồng hành tư vấn cùng các nhà đầu tư thực hiện có hiệu quả thông điệp “4 sẵn sàng” để bứt phá, đón bắt cơ hội mới đầu tư vào các KCN. Cụ thể:
Một là, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: Với 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng diện tích 6.397,68 ha; các KCN sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng về môi trường, giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…
Hai là, sẵn sàng về nhân lực: Với nguồn lao động tương đối trẻ, đã qua đào tạo, có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến. Tỉnh cũng định hướng phát triển các khu đại học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế; Hình thành và phát triển khu đô thị đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức. Trên địa bàn hiện Tỉnh hiện có 3 khu làng đại học, trong đó khu Đại học 1 đã cơ bản được đăng ký lấp đầy, thu hút các trường đại học, cao đẳng từ Hà Nội, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng, cung cấp nguồn nhân lực chất lương cao cho các KCN.
Ba là, sẵn sàng cải cách: Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cần thực hiện quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “Hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN; nhân rộng mô hình “Một cửa tại chỗ” tại các KCN, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính; Thực hiện công tác rà soát thủ tục hành chính thường xuyên hơn nữa để cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính .
Bốn là, sẵn sàng hỗ trợ: Đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, Ban quản lý đóng vai trò cầu nối tiếp nhận thông tin, sẵn sàng lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp; Tham mưu cho UBND Tỉnh quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó củng cố niềm tin trong cộng đồng các nhà đầu tư trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Nhà máy FDI trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh 2 |
Bình luận