Tích cực, chủ động thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Ninh Bình
Toàn cảnh KCN Gián Khẩu - huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình |
Năm 2022, tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động tiêu cực khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, cùng với tinh thần đoàn kết, cố gắng nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của Ban Quản lý các KCN Tỉnh và các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh, đã giúp các KCN từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả cao trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN
Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình (Ban Quản lý) đã tích cực đổi mới phương thực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng chủ động, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm. Nhờ đó, đã giúp cho hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn và hạn chế mức thấp nhất những tác động tiêu cực về người và tài sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2022, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN Tỉnh tiếp tục có những biến chuyển tích cực. Ban Quản lý đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 71,5 tỷ đồng (bằng 10,3% so với năm 2021); đồng thời cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 lượt dự án (tăng 8,33% so với năm 2021), trong đó có 4 lượt điều chỉnh vốn tăng thêm với số vốn đăng ký tăng thêm là 404 tỷ đồng (tăng 75,74% so với năm 2021).
Lũy kế đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của Tỉnh là 120 dự án (trong đó có 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN, 118 dự án đầu tư thứ cấp) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 64.547 tỷ đồng; trong đó có 31 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 602,96 triệu USD, tương đương 12.978,5 tỷ đồng. Vốn thực hiện đến nay đạt khoảng 56.800 tỷ đồng (đạt khoảng 88% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Các mẫu xe đa dạng được lắp ráp tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình |
Năm 2022 các doanh nghiệp trong các KCN đã đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng khá so với năm trước, cụ thể: Doanh thu ước đạt 73.260 tỷ đồng, tăng 7,45% so với năm ngoái, đạt 106,17% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm ngoái, đạt 100% kế hoạch năm; ước nộp ngân sách 14.000 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, trong năm 2022, các doanh nghiệp trong KCN đã tuyển dụng mới 6.608 người lao động trong và ngoài Tỉnh.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ban Quản lý các KCN đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo từng doanh nghiệp trong KCN tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Quản lý thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất linh hoạt; đến nay đã có 70/70 doanh nghiệp được xác nhận phương án và áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hiện tại, tình hình dịch bệnh đã ổn định, các doanh nghiệp trong KCN đã thực hiện tốt phương án thích ứng an toàn linh hoạt, phòng chống dịch Covid an toàn, hiệu quả.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các KCN
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động được tăng cường đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý trong thực thi nhiệm vụ.
Về công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, trong năm 2022 được triển khai tích cực, quy hoạch các KCN được quản lý chặt chẽ. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút dự án đầu tư được thực hiện tuân thủ đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Năm 2022, Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu mở rộng KCN Gián Khẩu (35ha), đã được UBND Tỉnh phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu; triển lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Phú Long; nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tam Điệp II. Cùng với đó, Ban đã đóng góp ý kiến đối với các đồ án quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng huyện các huyện: Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Yên Mô đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu máy sấy của nhà máy may NienHsing tại KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình |
Song song với đó, công tác xây dựng và quản lý hạ tầng các KCN luôn được theo dõi và giám sát chặt chẽ, đảm bảo các dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường. Khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng của KCN theo đúng quy định hiện hành. Cùng với đó, triển khai tốt công tác quản lý dự án, giám sát đầu tư. Ban đã đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo nộp báo cáo giám sát đầu tư đúng hạn. Ngoài ra, Ban chủ động làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, trong 120 dự án đầu tư trong các KCN, có 98 dự án đang hoạt động, 13 dự án đang triển khai thực hiện, 9 dự án chậm tiến độ.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm đặc biệt. Ban thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường trong KCN. Trong năm, Ban đã thực hiện giám sát công tác tại 1 dự án; phối hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 6 dự án, thẩm định cấp Giấy phép môi trường cho 6 dự án; phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường - Công an Tỉnh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 12 dự án trong các KCN; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh kiểm tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường đối với 3 dự án; thẩm định hồ sơ xin giao đất, hoàn thiện thủ tục trình UBND Tỉnh giao đất cho 4 dự án đầu tư trong các KCN. Phối hợp với Sở Công Thương Tỉnh kiểm tra hoạt động hóa chất đối với 6 dự án trong KCN. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường luôn được theo dõi, đôn đốc và triển khai chặt chẽ. Trong năm 2022, có 15 lượt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mặt khác, công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ trong các KCN luôn là một nhiệm vụ thường trực của Ban Quản lý. Ban luôn tích cực phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng, đặc biệt là đồn công an tại các KCN đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trong các KCN.
Hoạt động quản lý doanh nghiệp thường xuyên được quan tâm chú trọng, đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người lao động được triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đến nay, các KCN của Tỉnh đã giải quyết việc làm ổn định cho 39.257 lao động với mức lương bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Công đoạn vận hành chạy thử xe ô tô trước khi xuất xưởng tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình |
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được tăng cường, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Ban thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời giải quyết thủ tục hành chính theo các Quy trình thuộc Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 của Ban đảm bảo đúng pháp luật, nhanh chóng, hiệu quả. Thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng đúng theo hướng dẫn. Hiện nay, Ban có 33 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó 15 thủ tục hành chính (chiếm 45%) cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 18 thủ tục hành chính (chiếm 55%) cung cấp trực tuyến mức độ 4. Tổng hợp kết quả Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tính đến ngày 19/12/2022, số lượng hồ sơ đã giải quyết 408/432 hồ sơ tiếp nhận; trong đó, giải quyết đúng và trước hạn: 408, đang giải quyết trong hạn: 24, quá hạn: 0.
Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình Bùi Duy Quang (ngoài cùng, bên trái) và lãnh đạo các Ban Quản lý trong Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ký thực hiện nghi thức ký kết giao ước thi đua năm 2023 |
Tại Ban Quản lý, công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Ban đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND Tỉnh phát động. Phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua trở thành hành động cách mạng sâu rộng trong toàn cơ quan. Đặc biệt, công tác thi đua trong doanh nghiệp được chú trọng; tăng cường hoạt động của Khối thi đua các doanh nghiệp, ban hành Quy chế và kế hoạch hoạt động, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thi đua năm 2022 kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định.
Các mặt công tác khác: Công tác đào tạo; tổ chức, bộ máy; đoàn thể được triển khai tích cực và thực hiện có hiệu quả, góp phần phát huy cao vai trò của các tổ chức trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Xây dựng và phát triển các KCN gắn với tăng trưởng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình, mục tiêu tổng quát được Ban Quản lý đề ra trong năm 2023 đó là:
Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ trọng tâm, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực canh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đóng góp ngân sách lớn nhằm tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tới.
Toàn cảnh KCN Khánh Phú- huyện Yên Khánh, Tỉnh Ninh Bình |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống dịch an toàn, hiệu quả, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, lao động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, phấn đấu năm 2023 các KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu: Doanh thu đạt trên 72.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 12.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho trên 3.000 lao động.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Ban Quản lý cho biết sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN:
Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình: Tập trung điều chỉnh quy hoạch KCN Tam Điệp I, KCN Tam Điệp II, lập quy hoạch phân khu KCN Phú Long, triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch KCN Gián Khẩu II...
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các KCN, đảm bảo môi trường cảnh quan, điều kiện sản xuất. Tập trung thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN Tam Điệp II và KCN Phú Long; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch… của các nhà đầu tư chiến lược, nhằm tạo ra sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm, đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KCN bằng nguồn vốn ngân sách.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vận hành, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các KCN trên địa bàn Tỉnh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Toàn cảnh dây chuyền kiểm tra xe ô tô tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, KCN Gián khẩu, tỉnh Ninh Bình |
Tăng cường công tác xúc tiến, quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, bảo vệ môi trường:
Bám sát chương trình thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình, các chỉ thị, nghị quyết về việc hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để xúc tiến thu hút đầu tư; trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế cao, giá trị gia tăng cao.
Rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc các dự án đã cấp phép đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm theo quy định các dự án thực hiện không đúng các nội dung đã được chấp thuận.
Phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, dựa trên những nền tảng mới để thúc đẩy xuất khẩu.
Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giám sát các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các KCN theo các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh trong tình hình mới.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư và sản xuất, kinh doanh trong các KCN.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các cơ chế, chính sách, thế mạnh và tiềm năng của Tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động và các chính sách cho người lao động, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự tại các doanh nghiệp KCN.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong KCN, đôn đốc nhà đầu tư hoàn hiện các thủ tục pháp lý và thực hiện đúng các cam kết về môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật. Tập trung hoàn thiện và nâng cao năng lực vận hành nhà máy xử lý nước thải ở các KCN đảm bảo các quy định môi trường.
Dây chuyền sơn vỏ ô tô tại Nhà máy lắp ráp ô tô Huyndai, KCN Gián khẩu, tỉnh Ninh Bình |
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số các nhiệm vụ, công tác then chốt:
Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn Tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.
Triển khai thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, chăm lo tốt đời sống cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Đơn vị và các đoàn viên công đoàn trong các KCN của Tỉnh./.
Nhà máy Đạm Ninh Bình về đêm tại KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình |
Bình luận