Với nỗ lực lớn trong hoàn thiện khung khổ pháp luật và sáng kiến trong thực hiện cơ chế liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng cơ chế liên thông trong đăng ký thành lập doanh nghiệp khi tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Mục tiêu chính của việc ban hành Nghị định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập/rút khỏi thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP đã cắt giảm thêm 2 bước thủ tục và giảm thời gian trong thực hiện khởi sự kinh doanh.

Tiếp tục cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp

Sau khi được ban hành, Nghị định 122 đã góp phần hiện thực hóa việc liên thông điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký kinh doanh. Nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.

Trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách, đầu năm nay, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, góp phần cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Đáng chú ý, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã cắt giảm một số thủ tục hành chính và yêu cầu điều kiện đã tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trước đó, tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký kinh doanh.

Theo đó, các rào cản khó khăn còn tồn tại được Nghị định cắt bỏ bao gồm: bãi bỏ Thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp giúp cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bãi bỏ Thông báo sử dụng, thay đổi, huỷ mẫu con dấu thông qua việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu và thay đổi phương thức quản lý dấu, trao quyền cho doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp; bãi bỏ Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2020; bãi bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu giúp khuyến khích hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng được sử dụng nhiều hơn do thủ tục linh hoạt, nhanh chóng, đáp ứng tình hình thực tiễn của doanh nghiệp cao hơn; bỏ yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không được tạm ngừng kinh doanh quá hai năm liên tiếp, góp phần đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và tạo điều kiện tăng tỷ lệ các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần mà không qua các bước trung gian theo tinh thần sửa đổi tại Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng chuyển đổi trực tiếp doanh nghiệp tư nhân thành các loại hình doanh nghiệp khác (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh). Trên cơ sở đó, Điều 26 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định rõ thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp; giảm bớt các thủ tục, chi phí trung gian không cần thiết trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp 2020.

Ngoài ra, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu nộp các giấy tờ như: Bản sao Điều lệ, Danh sách thành viên/cổ đông đối với trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký; Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) đối với trường hợp đăng ký Giải thể doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định trên không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt được thành phần hồ sơ phải kê khai, chuẩn bị, tiết kiệm được chi phí nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước giảm thời gian xử lý hồ sơ. Đồng thời, việc tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện đã giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ‘hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Tất cả những cải cách, giải pháp trên đã giảm đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật trong gia nhập thị trường. Điều đáng nói những phản ánh tích cực trên không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà cả đối với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả khảo sát của VCCI gần đây cho thấy đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực về các nỗ lực của chính quyền trong cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, thể hiện qua việc các thủ tục cấp các loại giấy tờ cần thiết, giấy phép, giấy chứng nhận để doanh nghiệp có thể hoạt động chính thức đều giảm. Ví dụ, năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ dưới 3 tháng để nhận được tất cả giấy tờ cần thiết để hoạt động chính thức là 80%. Đến năm 2019, con số này là 92%, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Cũng tại thời điểm này, 56% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian dưới 1 tháng, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011; 11% doanh nghiệp hoàn thành thủ tục chưa đầy một tuần để nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức.

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ gia nhập thị trường tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số thủ tục chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự thông thoáng, thời gian thực hiện kéo dài, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, tổ chức thẩm định dự án. Nhiều dự án đầu tư mà các doanh nghiệp thực hiện lại liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều thủ tục phải có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, không chỉ trong thẩm quyền của một đơn vị mà liên quan đến nhiều sở, ngành, hoặc ở cấp cao hơn ở Trung ương. Do đó, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính cũng như liên thông, đồng bộ hóa các quy định hướng dẫn thực thi giúp doanh nghiệp tránh gặp phải những vướng mắc do chồng lấn, xung đột về mặt quy trình, hồ sơ, thẩm quyền, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, thủ tục không thể tiên liệu trước, tạo ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí./.