Tiếp tục tìm hướng “làm mới” hoạt động của Quốc hội
“Những vấn đề về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần phải thảo luận kỹ lưỡng, để đề xuất cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của Quốc hội…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Tiểu ban số 2, nêu ra yêu cầu như vậy, tại Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Tiểu ban số 2 xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Đảng đoàn Quốc hội vừa tổ chức, theo Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần làm rõ việc ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng Quốc hội điện tử trong hoạt động của Quốc hội…. Ảnh: QH |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phiên họp này xem xét dự thảo Chuyên đề lần thứ 3. Dự thảo này vừa được xây dựng dựa trên văn kiện của Đảng, Hiến pháp, các văn bản pháp luật và góp ý của các chuyên gia có kinh nghiệm, các tiểu chuyên đề, đồng thời vừa được bổ sung thêm nội dung qua báo cáo tổng kết của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Tuy nhiên, những vấn đề về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần phải thảo luận kỹ lưỡng để đề xuất cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của Quốc hội...
Những vấn đề cần tập trung làm rõ mà ông Trần Thanh Mẫn lưu ý gồm: các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn 2045: về cơ cấu tổ chức của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội; đại biểu Quốc hội; cơ chế tư vấn, chuyên gia… Liên quan đến phương thức hoạt động của Quốc hội, cần làm rõ về tổ chức kỳ họp Quốc hội, hoạt động của UBTVQH, Hội đồng, Ủy ban, các cơ quan của UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát...
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đã có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp hợp lý cho Chuyên đề… Ảnh: QH |
Thay mặt Thường trực Tiểu ban số 2, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo về xây dựng Dự thảo chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thường trực Tiểu ban đã có công văn gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH đề nghị báo cáo, đánh giá tổ chức và hoạt động của cơ quan mình, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Thường trực Tiểu ban đã tổ chức Hội thảo mời các nhà khoa học và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội, nguyên là lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội đóng góp ý kiến về các nội dung đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Ngày 5/10/2021, Thường trực Tiểu ban đã gửi Dự thảo lần 2 Chuyên đề xin ý kiến thành viên Tiểu ban số 2, các thành viên Tiểu ban đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý xác đáng, góp phần làm sáng tỏ về lý luận, thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp hợp lý trong giai đoạn tới…
Thời gian Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Trung ương giao rất gấp, bởi ngày 15/12 tới phải hoàn thiện Chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương. Do đó, khi kết luận phiên họp, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Tiểu ban phải tập trung cao nhất để hoàn thành Chuyên đề, trong đó Ban Công tác đại biểu tiếp tục chủ trì, tham mưu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Tiểu ban góp ý tại phiên họp này và báo cáo lãnh đạo Tiểu ban để chỉ đạo hoàn thiện Chuyên đề, đồng thời tiếp tục rà soát, trước hết là không để sơ xuất về tư liệu, thiếu chặt chẽ trong đánh giá, dàn trải trong trình bày, đặc biệt là tuyệt đối không cẩu thả để ý tứ không rõ ràng tạo suy diễn.../.
Bình luận