Tìm giải pháp cho ngành hồ tiêu phát triển bền vững
Nhiều hệ lụy từ việc vỡ “quy hoạch”
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu đang là ngành hàng mang lại lợi nhuận cao nhất. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014, hạt tiêu Việt Nam tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 01 tỷ USD, với kim ngạch 1,2 tỷ USD. Năm 2015 tiếp tục là năm hồ tiêu Việt Nam được giá, riêng trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị gần 1,2 tỷ USD.
Do hồ tiêu xuất khẩu được giá cao so với nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực khác, nên trong những năm gần đây, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân đã chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch trong sản xuất hồ tiêu ở nhiều địa phương.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số 100.000 ha và vẫn đang còn có xu hướng tăng nhanh. Hiện nay, Đắk Lắk là 01 trong 07 tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây tiêu trên địa bàn Tỉnh là 15.000 ha, nhưng nay đã có hơn 16.000 ha. Đối với tỉnh Đăk Nông, diện tích hồ tiêu theo quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha nhưng đến cuối năm 2014 đã tăng hơn gấp đôi 13.000 ha.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu nông dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu không theo quy hoạch sẽ rất dễ rơi vào cảnh cung vượt cầu, khi thị trường thế giới bão hòa, rớt giá.
Việc phát triển “nóng” nêu trên không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy tất yếu khác mà trước tiên người trồng tiêu phải gánh chịu, đó là dịch bệnh diễn ra trên các vườn tiêu, do người nông dân tự tuyển chọn giống một cách thiếu hiểu biết, vô tình đã ươm mầm bệnh cho chính vườn cây của mình.
Trước thực trạng dịch bệnh đang lây lan trên các vườn tiêu, có không ít nông dân lo lắng, nóng vội mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, không nhãn mác nhằm cứu vườn cây. Tuy nhiên kết quả vẫn là “tiền mất - tật mang”, tình trạng tiêu mắc bệnh chết hàng loạt diễn ra tràn lan. Theo thống kê của ngành chức năng các địa phương, tại Gia Lai, năm 2014 có hơn 216 ha tiêu bị chết, Đắk Nông có 122 ha, Đắk Lắk có 1.400 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm…
Ngoài tình trạng sản xuất vỡ quy hoạch, ngành hồ tiêu cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường thế giới về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2014, thị trường châu Âu, một trong những thị trường nhập khẩu hồ tiêu quan trọng nhất, đã giảm số lượng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, đặc biệt là Đức giảm hơn 50% vì cho rằng hồ tiêu Việt Nam thường có hàm lượng Carbedazim vượt mức cho phép.
Gần đây nhất tháng 5/2015, Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu đối với tiêu đen Việt Nam. Châu Âu và Mỹ đều đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thông báo dư lượng chất có trong tiêu vượt mức quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nếu chúng ta không đảm bảo được an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu thì khả năng nhiều nước châu Âu sẽ không mua hạt tiêu của Việt Nam. Nếu họ từ chối tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam thì sẽ thiệt hại rất lớn đối với nông dân, đối với nền kinh tế nông nghiệp của nước ta. Và nếu điều này xảy ra thì không những giá hồ tiêu bị ảnh hưởng, mà uy tín hồ tiêu Việt Nam cũng bị sụt giảm theo” (Quang Minh, 2015).
Để phát triển bền vững
Trước thực trạng diện tích hồ tiêu phá vỡ quy hoạch, tại hội nghị Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu do Cục Chế biến Nông, lâm, thủy sản và Nghề muối phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 01/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương cần khẩn trương rà soát quy hoạch sản xuất hồ tiêu trên địa bàn và có kế hoạch từng bước giảm diện tích những vùng ít thích hợp và không thích hợp. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung; xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, từng bước tiến tới sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu...
Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây hồ tiêu, chỉ được sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phải nằm trong danh mục được cho phép sử dụng. Khi sử dụng phải tuân theo các quy định an toàn cho người lao động và các quy định an toàn thực phẩm.
Trong một chuyến công tác gần đây đến các địa phương trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lưu ý: “Cần rà soát lại quy hoạch cho cây hồ tiêu của từng địa phương để có hướng dẫn kịp thời, có sự kiềm chế hiệu quả. Địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý phân bón, giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tất cả những sản phẩm nông nghiệp - phục vụ nông nghiệp, khi chưa được Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận và cho phép, tuyệt đối không được cung cấp cho nông dân. Cấm tuyệt đối các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để bóc lột nhân dân...” (Trần Đăng Lâm, 2015).
Tài liệu tham khảo:
Trần Đăng Lâm (2015). Chẩn bệnh ngành hồ tiêu: Hậu quả khôn lường... truy cập tại http://nongnghiep.vn/chan-benh-nganh-ho-tieu-hau-qua-khon-luong-post151333.html
Quang Minh (2015). Mở rộng diện tích hồ tiêu: Cần thận trọng, truy cập từ http://www.kinhtenongthon.com.vn/Mo-rong-dien-tich-ho-tieu-Can-than-trong-106-56966.html
Bình luận