Ngày 18 tháng 5 là Ngày KH&CN Việt Nam, là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực

Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, Bộ KH&CN muốn thúc đẩy hoạt động biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH&CN, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN…

Bộ KH&CN cho biết, 8 năm qua, kể từ khi Luật Khoa học và công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua và quy định ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo; là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực.

Năm 2021, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 có chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai", Bộ KH&CN yêu cầu các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2021 được tổ chức ý nghĩa, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, lan tỏa các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2021 trong phạm vi cả nước.

Cụ thể, về nội dung, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam; các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2020 - 2021. Tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam; tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà.

Đồng thời, giới thiệu các chính sách, pháp luật mới được ban hành nhằm phát triển và ứng dụng KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo; các mục tiêu, định hướng lớn của các chiến lược/chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2030.

Cùng với đó, thông tin về các thành tựu KH&CN nổi bật phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương và đóng góp thiết thực của KH&CN trong việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như phòng, chống dịch Covid-19; thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và phấn đấu vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Đặc biệt, bám sát các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp về nội dung KH&CN, đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 để xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Bộ KH&CN dự kiến sẽ có nhiều hoạt động chào mừng Ngày KH&CN trực tiếp hoặc trực tuyến như: Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật KH&CN, vai trò của KH&CN; Tổ chức triển lãm các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến của sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ tại các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp; Phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, phát động phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp; gặp gỡ giao lưu giữa các nhà quản lý KH&CN, nhà khoa học với học sinh, sinh viên, nhà sáng chế…

Cần những đột phá mới để khoa học và công nghệ trở thành sức mạnh

Tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, giai đoạn vừa qua, KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Nếu như 10 năm trước đây kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào Ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ Ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải có những đột phá mới để khoa học và công nghệ trở thành sức mạnh, động lực thực sự./.