Tổng chi an sinh xã hội năm 2015 dự báo chiếm 6,61% GDP
Sáng 13/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Dự kiến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%
Tại hội nghị, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, trong giai đoạn 2012-2015, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách trên tất cả các lĩnh vực xã hội theo Nghị quyết số 15; hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, sau 3 năm thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay, cả nước có 1.384.143 người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, tăng 94.000 người so với năm 2012; 50.280 người đã được hưởng trợ cấp một lần, tăng 34.886 so với năm 2012; tăng thêm 400.000 lượt người được điều dưỡng hàng năm; xác nhận thêm được 639 liệt sĩ, 5.440 thương binh, 1.335 bệnh binh, giảm đáng kể tồn đọng từ trước đến nay.
Ngân sách nhà nước dành cho việc thực hiện chính sách người có công tăng dần qua từng năm. Năm 2012 là 25.646,5 tỷ đồng, tăng 31.011,4 tỷ đồng năm 2014. Tính cả giai đoạn 2012 - 2015 là 119.435,5 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, chính sách giảm nghèo tiếp tục được hoàn thiện. Giai đoạn 2011 - 2013, Chính phủ đã bố trí trên 80 nghìn tỷ đồng đề thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo bao gồm hỗ trợ về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nhà ở…
Trong đó, Chương trình 30a đã đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở vật chất hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo. Gần 3.000 công trình cấp huyện và 2.700 công trình cấp xã, dưới xã; Chương trình 135 giai đoạn 2, trong 3 năm (2012 - 2014) đã xây dựng được 8.959 công trình…
Nhờ các chương tình hỗ trợ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước thời gian qua đã giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 5,97% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm 2%.
Dự kiến đến cuối năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giàm còn dưới 27%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cũng trong giai đoạn từ 2012 - 2014, nhiều chính sách về việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân đã được triển khai, tạo việc làm cho hơn 6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2014, đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy được vai trò. Số người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng khác nhau…
Nguồn lực tài chính thực hiện an sinh xã hội tăng mạnh từ 190,86 nghìn tỷ đồng năm 2012 lên 259,83 nghìn tỷ đồng vào năm 2014; tăng từ 5,88% GDP năm 2012 lên 6,31% GDP năm 2014.
Theo dự báo năm 2015, ước tính tổng chi an sinh xã hội đạt 307,03 nghìn tỷ đồng, tăng 47,2 nghìn tỷ so với năm 2014, chiếm 6,61% GDP. Trong đó, chi cho nhóm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng nhanh, chiếm 78,45% tổng chi về an sinh xã hội…
Song, vẫn còn không ít hạn chế
Mặc dù đã có được những thành tựu, nhưng, tình hình thực hiện Nghị quyết 70 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công triển khai chậm. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn.
Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng chậm, không đạt được mục tiêu đề ra.
Chất lượng phổ cập giáo dục còn chênh lệch, đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và vùng đặc biệt khó khăn; tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, vẫn còn khoảng 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở còn triển khai chậm.
Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp.
Nguyên nhân được nêu ra là do: nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn hẹp, nguồn vốn một số chương trình không được bố trí kịp thời và đầy đủ theo kế hoạch; mức độ tuân thủ chính sách chưa cao (đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc); công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về an sinh xã hội ở một số địa phương còn yếu; hình thức thông tin, tuyên truyền còn đơn điệu, kém hiệu quả.
Phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị, ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, nhất là chính sách ưu đãi người có công, chính sách việc làm và đảm bảo thu nhập tối thiểu, chính sách giảm nghèo, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt…; đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối và tính hiệu quả của hệ thống chính sách an sinh xã hội, gắn liền với đó là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với các chính sách liên quan đến an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa, huy động tốt hơn sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân vào thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết số 70/NQ-CP đạt kết quả tích cực. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song việc thực hiện các chính sách xã hội đã được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Nếu năm 2012 tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP của nền kinh tế thì đến năm 2015 con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP.
Nhìn lại kết quả qua 3 năm thực hiện chính sách xã hội, điều rất đáng mừng là nhiều chỉ tiêu, mục tiêu được đề ra đã đạt và vượt; theo nhận định chung đến năm 2020, việc đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được đề ra là khả thi.
“Trong khó khăn chúng ta không giảm đi bất cứ một chính sách, khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng lên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để thực hiện tốt hơn, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 15 của Trung ương đã nêu cần có sự nỗ lực lớn hơn nữa trong tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết.
Với tinh thần như vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu trên 10 lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra gồm: chính sách người có công; việc làm; thực hiện chương trình giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; đảm bảo giáo dục-nghề nghiệp; đảm bảo y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo thông tin tối thiểu.
“Trên 10 lĩnh vực này, rà soát thấy chính sách nào phù hợp thì khẳng định và tiếp tục làm cho tốt, còn cái nào chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung ngay”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời khẳng định, “phải xem triển khai thực hiện Nghị quyết này của Trung ương là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên; chúng ta đã nhận thức, đã làm, nhưng phải tiếp tục nhận thức tốt hơn, làm tốt hơn; từ nhận thức tốt để rồi đề cao trách nhiệm, phấn đấu thực hiện”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực, ngân sách của nhà nước còn có hạn, cần phải hết sức quan tâm truyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội bằng 3 nguồn lực chính là nguồn lực nhà nước; nguồn lực từ bên ngoài như nguồn ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong nhân dân.
“Chính phủ hết sức quan tâm cân đối, dành nguồn lực cho an sinh xã hội, song các địa phương khi phân bổ ngân sách cũng phải hết sức quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng của địa phương cho việc này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ và yêu cầu các địa phương tiếp tục năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội.
Đối với nguồn lực, sự tham gia đóng góp từ nhân dân, Thủ tướng lưu ý phải hết sức tính toán, xem xét, đảm bảo cho sự đóng góp là phù hợp với khả năng của người dân.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý đến khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, coi việc tổ chức thực hiện là một khâu có ý nghĩa quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau Hội nghị sơ kết này sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết, trong đó khẳng định rõ những mặt làm được, những mặt còn chưa làm được; những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế; các mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Đảng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương./.
Bình luận