Xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đặt rất nhiều câu hỏi “nóng” chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn, có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng của ngành, nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Đề nghị Tổng KTNN làm rõ quan điểm về ý kiến này và theo Tổng KTNN, có cần xây dựng một cơ chế thanh tra độc lập, thường xuyên trong hoạt động kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng KTNN trong sạch, liêm chính?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói về những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành Kiểm toán
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn Tổng KTNN

Cũng nêu câu hỏi chất vấn về nội dung liên quan, Đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (Lai Châu) cho rằng, các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 131/2023, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đề nghị Tổng KTNN cho biết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành KTNN trong thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào?

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm. Trong đó, quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới. Riêng năm 2022 đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, KTNN; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để quy định rõ từng nhiệm vụ của từng công chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, lượng hóa công tác đánh giá…

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán, Tổng KTNN thừa nhận có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. KTNN kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực. Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với KTNN, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ...

“Cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.”, ông Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói về những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành Kiểm toán
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian tới, KTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm, mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm, thì tại Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định: Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát phát hiện ra sai phạm, thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì phải xử tùy theo mức vi phạm, để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm, thì theo quy định của Luật phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...

Về giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà không giảm tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Tổng KTNN cho rằng, cần làm tốt 3 việc: Xây dựng được thiết kế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.

Giải pháp xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán

Về chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên quan đến xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 cũng đã quy định nguyên tắc KTNN có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, để xử lý chồng chéo ngay từ khi lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Để hạn chế chồng chèo, KTNN đã có các quy chế phối hợp với Thanh tra Chính phủ, nhằm phối hợp trong công tác lập kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm toán và xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra, chia sẻ dữ liệu và đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm toán.

Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm căn cứ vào chiến lược phát triển kiểm toán đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó phấn đấu đến năm 2030 thực hiện kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm hiện nay, đã kiểm toán địa phương đạt khoảng 91% và Trung ương khoản 87%. Đồng thời, thực hiện kiểm toán chuyên đề (môi trường, công nghệ thông tin… ) phấn đấu đạt 40%...

Còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện

Liên quan đến thực hiện kiến nghị của KTNN, Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, Báo cáo số 599 của KTNN cho thấy, số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao (59%), kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán. Đề nghị Tổng KTNN cho biết lý do vì sao? Đồng thời nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành, cũng như kiến nghị Tổng KTNN, để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của KTNN trong thời gian tới.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm. Đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của Kiểm toán cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán. Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, nêu câu hỏi chất vấn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, theo báo cáo của KTNN, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán là do bên thứ ba. Do đó, đại biểu đề nghị Tổng KTNN làm rõ bên thứ ba là bên nào, là chủ thể nào? Để giải quyết việc chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đề nghị cho biết trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, cũng như giải pháp của KTNN về vấn đề này?

Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, bên thứ 3 là bên có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Kiểm toán (sửa đổi), Luật số 55/2019/QH14, nguyên nhân bên thứ 3 chiếm khoảng 21% do phải chờ phê duyệt của cấp trên, chờ hướng dẫn; do nhà thầu chây ì, giải thể, phá sản, mất tích… KTNN sẽ theo dõi, đôn đốc, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán, kịp thời theo dõi, báo cáo ngay với các cơ quan liên quan về trách nhiệm bên thứ 3 để đôn đốc. Giải pháp căn cơ nhất là thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói về những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành Kiểm toán
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn, bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật?

Ở một góc độ khác, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn, hiện nay, mặc dù một số kết luận, kiến nghị của KTNN đúng pháp luật, nhưng thực tế không thể thực hiện được, do đối tượng kiểm toán không còn khả năng thực hiện hoặc do vướng mắc chính sách, pháp luật. Vướng mắc khi xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, yếu tố ngoại trừ khi đưa ra ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng báo cáo không cao. Do đó, đề nghị Tổng KTNN cho biết, trong tổng số 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại 1.345 báo cáo kiểm toán có tỷ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỷ lệ đã được xử lý như thế nào? Bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật? Các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bất cập trên?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói về những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành Kiểm toán
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, giai đoạn 2019-2023, KTNN đã phát hành 1.345 báo cáo, trong đó có 663 báo cáo đề nghị kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân liên quan

Tổng KTNN cho biết, khi tiến hành kiểm toán, KTNN được quyền đưa ra 4 loại ý kiến: (1) Ý kiến chấp nhận toàn phần; (2) Ý kiến chấp nhận loại trừ; (3) Ý kiến trái ngược; (4) Từ chối đưa ra ý kiến. Đối với ý kiến loại trừ, theo chuẩn mực kiểm toán, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, nhưng lại ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động KTNN. Báo cáo loại trừ xảy ra khi đơn vị được kiểm toán không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Đoàn KTNN, để có đủ bằng chứng đưa ra kết luận, kiến nghị của mình.

“Trong 5 năm (2019-2023), KTNN đã phát hành 1.345 báo cáo, trong đó có 663 báo cáo đề nghị kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân liên quan. Qua theo dõi, hiện nay tỷ lệ bình quân thực hiện trách nhiệm chiếm khoảng 60%, còn trong 1.069 văn bản đề nghị sửa đổi, thì tỷ lệ tương đối thấp, bình quân khoảng trên 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì tỷ lệ này đã được tăng lên. Theo đó, năm 2023 đã sửa được 78/277 văn bản, đạt 36%.”, ông Tuấn cho hay.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đến nay, số lượng kết luận kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện còn lớn, trong đó đáng lưu ý có nguyên nhân chưa thực hiện thuộc về trách nhiệm của KTNN, nên đề nghị Tổng KTNN cho biết việc xem xét trách nhiệm đối với các kết luận kiến nghị kiểm toán chưa đúng quy định, cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng kết luận kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do chính trách nhiệm của KTNN?

Tổng KTNN cho biết, trong các nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán, lý do thứ nhất là kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; thứ hai là có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng, nhưng không thể thực hiện được; thứ ba là đơn vị chưa thực hiện. Trong đó, đối với nguyên nhân kiến nghị chưa chính xác, chưa tâm phục, khẩu phục đang khiếu nại, thời gian tới KTNN sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán.

Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện, do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, pháp nhân về hưu, chết hoặc mất tích, đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật Kiểm toán, nên đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa nêu.

Từ 2019 đến năm 2023, kiểm toán chuyển 19 hồ sơ cho các cơ quan điều tra

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), ông Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019-2023), Tổng KTNN đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra. Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án. Thế nhưng, không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng KTNN hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

“Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh, hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Thời gian tới, Tổng KTNN sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.”, ông Tuấn cam kết./.