Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác thuế tháng 5, kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác thuế tháng 6/2023, dưới sự chủ trì của quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra thuế là 20.382 tỷ đồng

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị (nguồn: GDT)

Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5/2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 85.200 tỷ đồng, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước thu đạt 663.843 tỷ đồng, bằng 48,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,9% so với cùng kỳ.

Có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 48%); có 8/20 khoản thu đạt dưới mức 48%. Đáng chú ý, có 25/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 42%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm (dưới 35% dự toán) như: Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bình Phước, Phú Yên, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Đến hết tháng 5/2023, cơ quan Thuế thực hiện được 1.794 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 10.604 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 70,4 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 5/2023 là 149.963 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 4/2023. Lũy kế tính đến cuối tháng 5/2023 ước thu được 18.408 tỷ đồng.

Đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thu ngân sách nhà nước các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng Cổng thông tin điện tử từ 01/01/2023 đến nay là 3.401 tỷ đồng (trong đó: thuế giá trị gia tăng là 1.717 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.684 tỷ đồng).

Liên quan đến Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, đối với kỳ cung cấp thông tin quý I/2023 (hạn cuối cung cấp thông tin là 04/5/2023), tính đến ngày 12/5/2023, đã có 240 sàn cung cấp thông tin. Cơ quan Thuế đã có danh sách của 41.377 cá nhân và 11.690 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 90.078.397.702 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 9.786 tỷ đồng.

Liên quan đến chương trình công tác tháng 6/2023, ngành Thuế tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài: Rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế; kịp thời giải quyết các vướng mắc để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Cùng với nghiên cứu xây dựng Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế, ngành Thuế còn tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2022 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ để tổng hợp.

Về thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát đánh giá tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, trình Quốc hội để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Ngành Thuế còn tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử. Tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, đảm bảo kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, ngành Thuế còn tiếp tục nghiên cứu giải pháp áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng..., nâng cao hiệu quả quản lý thuế./.