Trái phiếu doanh nghiệp: Muốn lên sàn phải có tài sản đảm bảo

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trái phiếu doanh nghiệp: Muốn lên sàn phải có tài sản đảm bảo
Sở GDCK Hà Nội dự kiến sẽ là nơi tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Theo dự thảo, trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán quy định tại dự thảo không bao gồm các trường hợp chuyển quyền sở hữu tại các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành quy chế thành viên, quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện công bố thông tin, báo cáo và giám sát giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Cũng theo bản dự thảo, về tiêu chuẩn lên sàn, trái phiếu phải là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền; Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp. Đặc biệt, trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Cần giải pháp giảm rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ

Do việc đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn là quyền của doanh nghiệp và phải đảm bảo tiêu chuẩn nhất định, nên thực tế sẽ có những doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ mà không muốn lên sàn hoặc không đủ tiêu chuẩn lên sàn. Rủi ro cho các nhà đầu tư đại chúng trước những lời mời gọi mua công cụ tài chính này vẫn rất lớn, khi theo Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong thông báo gần nhất, Bộ này cho biết, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém.

Đáng chú ý, đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cho rằng, với tính chất rủi ro cao hơn nên TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.

Đặc biệt, Bộ Tài chính nhắc nhở nhà đầu tư rằng, việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Điểm đáng lưu ý là, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Do quy định pháp lý không yêu cầu cơ quan quản lý kiểm soát, thẩm định hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, nên các nhà đầu tư phải tự đánh giá rủi ro và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình. Trong bối cảnh nhà đầu tư Việt Nam trên 95% là cá nhân, hầu hết mới gia nhập thị trường, để hạn chế rủi ro trong giao dịch trái phiếu riêng lẻ, một số quan điểm cho rằng, nên chăng trong xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 153/2020, Bộ Tài chính bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phát hành cần được đánh giá định mức tín nhiệm bởi một tổ chức độc lập do Bộ Tài chính cấp phép. Theo đó, tổ chức định mức tín nhiệm có trách nhiệm phân tích lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản và công bố định mức tín nhiệm khách quan, để nhà đầu tư có căn cứ ra quyết định.