Tranh chấp đất đai giữa lâm trường và địa phương vẫn “nóng”
Tại Hội thảo "Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh: Những bất cập và giải pháp", ngày 08/9, TS. Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thực trạng sử dụng đất và tài nguyên rừng của các lâm trường quốc doanh sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 còn nhiều hạn chế, trong đó đặc biệt là tình trạng mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương.
Trong quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, các nông, lâm trường mới chỉ thay đổi về tên gọi là chính, còn thực chất hoạt động chưa có sự thay đổi đáng kể. Mô hình nông trường và bộ máy quản lý hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến chất lượng sử dụng đất thấp.
Đặc biệt, trong quá trình sử dụng đất khoán lâu dài theo quy định của Nghị định 135 xuất hiện nhiều sai phạm; sự buông lỏng quản lý của các nông, lâm trường dẫn đến hiện tượng sử dụng đất sai mục đích, tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Theo báo cáo, hiện nay cả nước có 54 nông, lâm trường, ban quản lý rừng có tranh chấp với diện tích lên đến 18.315 ha.
Cũng theo ThS. Phạm Nguyên Thành, Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung, Đại học Nông Lâm Huế, những năm qua tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đất nông lâm trường diễn ra phổ biến, ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý mà còn gây tổn thất, lãng phí tài nguyên đất. Đơn cử như, tại Nông trường chè Thanh Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), 193 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán, mượn đất với tổng diện tích gần 90.000 m2 nay đã xây dựng nhà ở, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên đất nông trường. Đây là việc làm trái quy định, đã được Thanh tra tỉnh Nghệ An kết luận chỉ rõ.
Trường hợp khác, Công ty Lâm nghiệp Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) có hơn 4.000 ha trồng rừng, nhưng chỉ xin chứng chỉ rừng cho 2.000 ha rừng quản lý được, còn 2.000 ha đất đã khoán đến nay vẫn bỏ hoang.
Đáng chú ý, nếu trước đây người dân lấn chiếm đất nông lâm trường do thiếu đất sản xuất thì nay chủ yếu để bán cho người ngoài đầu tư trồng cà phê hay các loại cây nông nghiệp khác. Tất cả các hoạt động chuyển nhượng đều diễn ra theo hình thức tự phát, không có bất cứ hồ sơ hay văn bản nào nên chính quyền địa phương hay đơn vị chủ rừng không kiểm soát được.
Các cơ quan chức năng đã tập trung thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo nhưng khó xử lý dứt điểm. Thậm chí, có trường hợp còn bị xử lý trách nhiệm hình sự, sau khi ra tù lại tái lấn chiếm, khiến câu chuyện giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất nông lâm trường trở nên “nóng”.
Để xảy ra tình trạng này Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng, việc thiếu cơ chế, chính sách thanh lý tài sản trên đất rừng đã khoán cũng khiến việc thu hồi đất để giao cho địa phương trở nên bế tắc. Cách thức thu hồi đất rừng đã giao khoán chưa phù hợp với lợi ích của các bên liên quan nên có tình trạng “thu hồi đất rồi vẫn không giao được cho ai”.
Đồng quan điểm, ThS. Trần Ngọc Bình, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, do quy hoạch đất nông, lâm trường không sát thực tế, ranh giới đất đai không rõ ràng, không có hồ sơ hoặc chưa có “sổ đỏ”. Trong khi các biện pháp xử phạt hình chính các trường hợp lấn chiếm đất không thực thi và hiệu quả.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất nông lâm trường, các chuyên gia nhấn mạnh, các cấp chính quyền, các bên liên quan phải thực sự vào cuộc và cần có sự tham gia của cá nhân/tổ chức đóng vai trò hòa giải.
“Đặc biệt cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, đối thoại với các bên”, TSKH. Khải nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần có cơ chế để “bắt buộc” các nông lâm trường quốc doanh hợp tác với người dân và các bên liên quan tham gia rà soát, đánh giá đất đai trước khi xây đề án về đổi mới nông lâm trường, tránh tình trạng tự rà soát. Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí để thực hiện việc rà soát, đo đạc để thu hồi đất, tổ chức, hỗ trợ việc giao đất thực tế cho người dân, nhất là ở những địa phương còn khó khăn./.
Bình luận