Người đứng đầu cơ quan còn có biểu hiện né tránh, ngại tiếp dân…
“Nóng” khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng nay (ngày 13/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021", theo Văn phòng Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" (ảnh: Quốc hội) |
“Từ ngày 01/7/2016 đến 01/7/2021, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hưởng giảm trong một số năm gần đây, nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế...”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Cũng theo ông Bình, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội được thực hiện trước thời điểm Luật đất đai 2013 có hiệu lực; chuyển đổi mô hình chợ, thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung... Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực hành chính.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp. |
Liên quan đến thực hiện pháp luật về tiếp công dân, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật; việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp và chưa đảm bảo khả thi trong thực tiễn; việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
“Nguyên nhân chủ yếu được Đoàn giám sát chỉ ra của những tồn tại, hạn chế trên là do trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân…”, ông Bình cho hay.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế. Vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tố cáo hành chính với đơn tố giác tội phạm; chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa tốt, có sai sót, nên nhiều vụ việc phải giải quyết nhiều lần…
“Qua tổng hợp số liệu số đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các cơ quan nhà nước, gấp 4 lần số đơn khiếu nại, gấp 9 lần số đơn tố cáo, nhưng chưa được quan tâm giải quyết, trả lời. Nguyên nhân chính là do bên cạnh pháp luật quy định về trách nhiệm giải quyết, trả lời đơn kiến nghị, phản ánh chưa được quy định cụ thể, thống nhất và riêng biệt tại một văn bản; trách nhiệm ở một số bộ ngành, địa phương là chưa đầy đủ…”, ông Bình cho hay.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề xuất các cơ quan của Quốc hội đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đối với một số ngành, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ ngành có liên quan trong quá trình thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Đoàn giám sát kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu (ảnh: Quốc hội) |
Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài ở địa phương. Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Đoàn giám sát còn kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, để đảm bảo thống nhất với các văn bản của cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn.
Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; trong đó tập trung đánh giá về tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện, việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý về đất đai, môi trường, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng... và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và nhân dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo…/.
Bình luận