Việc giải quyết các đơn thư vòng vo đến đâu?

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, theo Văn phòng Quốc hội.

Liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 88,3%, cao hơn mục tiêu đề ra (85%). Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài gay gắt đã được giải quyết dứt điểm, giải tỏa được bức xúc và đem lại niềm tin cho người dân…

Tránh để dân phải gửi đơn khiếu nại… lòng vòng
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài gay gắt đã được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, khi trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu phục vụ thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho biết, Báo cáo chưa phân tích, làm rõ được tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 có những điểm gì khác biệt so với năm 2020 và các năm trước đó. Một số đánh giá, nhận định về những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, bất cập trong các báo trước đây vẫn được lặp lại, nhưng chưa làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập này đã được các bộ, ngành, địa phương khắc phục ở mức độ nào, kết quả đến đâu, lý do tại sao không khắc phục được…?

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhìn nhận, công tác tiếp công dân vẫn còn chưa được chú trọng. Cùng với cần minh bạch có hay không tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến dịch bệnh, cũng cần làm rõ giải quyết các đơn thư vòng vo đến nay có chuyển biến như thế nào?

Cần công khai kết quả giải quyết để dân giám sát

Tránh để dân phải gửi đơn khiếu nại… lòng vòng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành (Ảnh: Quốc hội)

Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm và các vụ việc do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.

Cùng với đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm, theo ông Ngô Trung Thành, Nhóm nghiên cứu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ đạo sớm nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi Nghị quyết số 694/2008/UBTVQH12 của UBTVQH về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, theo hướng giao một số cơ quan làm đầu mối tiếp nhận, quản lý cơ sở dữ liệu tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư gửi đến Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội. Trên cơ sở đó, cơ quan đầu mối sẽ chuyển đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội xử lý theo thẩm quyền, tránh việc công dân phải gửi đến nhiều cơ quan và đơn chuyển lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội.

“Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân, thực trạng giải quyết đơn thư, tố cáo còn chậm, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm chấm dứt tình trạng đơn thư tố cáo kéo dài nhiều năm. Các địa phương cần lựa chọn cán bộ tiếp công dân đủ năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật; có khả năng giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật khi có vụ việc muốn giải quyết...”, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành đề nghị.

Đồng tình với cần nâng cao trình độ cán bộ, ông Ngô Sách Thực đề xuất, nên tăng cường nâng cao trình độ, kỹ năng đối với cán bộ tiếp công dân nhằm hạn chế các vụ việc mới phát sinh, phức tạp, kéo dài... Để giám sát công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cần công khai kết quả giải quyết thông qua các phần mềm để các cơ quan, người dân cập nhật, theo dõi.

Tránh để dân phải gửi đơn khiếu nại… lòng vòng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần đánh giá sâu hơn về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhìn nhận thông qua các báo cáo cho thấy, đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm so với năm 2020, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần phân tích, đánh giá sâu hơn về thực trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, cũng như báo cáo về việc giải quyết công việc này; đồng thời yêu cầu Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát lại báo cáo thẩm tra để hoàn thiện trước khi trình UBTVQH tại Phiên họp vào tháng 9 này./.