Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các KCN tỉnh Lâm Đồng
Toàn cảnh KCN Lộc Sơn, tỉnh Lâm Đồng |
Năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và có diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh nói chung. Tuy nhiên với nhiều cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng (Ban Quản lý) và các nhà đầu tư trong các KCN trên địa bàn, năm 2021 hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực; các doanh nghiệp KCN tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh và an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Đồng chí Võ Văn Phương-Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị Cán bộ công chức năm 2021 |
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, Ban Quản lý đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Ngay từ đầu năm 2021, Ban đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2021, đồng thời rà soát, bổ sung danh mục thu hút đầu tư trong các KCN; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về đầu tư và chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện đầu tư; quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trong các KCN trên các kênh truyền thông với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú; chú trọng mời gọi nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phú Bình.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính luôn được Ban quan tâm hàng đầu. Ban tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức trong Ban các quy định của pháp luật về cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Năm 2021 Ban Quản lý đã giải quyết 104 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 100% yêu cầu.
Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư và xây dựng luôn được theo dõi, chỉ đạo sát sao. Ban tăng cường công tác tham mưu trình UBND Tỉnh các ý kiến, kiến nghị liên quan đến ngân sách xây dựng các hạng mục hạ tầng trong KCN; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Năm 2021 Ban Quản lý đã thẩm định hồ sơ, cấp 12 Giấy phép xây dựng; thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở cho 14 dự án; thẩm định và trình phê duyệt dự án đầu tư một số công trình trong KCN Phú Hội; đề xuất điều chỉnh báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư một số hạng mục tại KCN Lộc Sơn; xử lý sự cố sạt lở đất tại KCN Lộc Sơn...
Mặt khác, công tác quản lý đất đai và môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng và triển khai thực hiện hiệu quả. Ban đã tham mưu lập danh mục công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện và đề xuất đăng ký về nhu cầu sử dụng đất để phát triển KCN đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp cùng các sở ngành liên quan tiến hành thanh tra công tác môi trường, công tác quản lý, sử dụng đất; thu, nộp tiền cho thuê lại đất và sử dụng kinh phí tại các KCN…
Công tác quản lý lao động được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật, Ban Quản lý quan tâm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì làm việc cho người lao động; phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá của người lao động; tăng cường công tác an toàn lao động, xây dựng, phòng chống, cháy nổ và quản lý bếp ăn tập thể trong các KCN; rà soát số lượng người nước ngoài, công nhân ở các KCN không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Cử thành viên tham gia tổ thẩm định nhu cầu nhập cảnh của chuyên gia, lao động người nước ngoài đến làm việc tại Lâm Đồng...
Năm 2021 Ban đã cấp 14 Giấy phép lao động; đăng ký nội quy lao động cho 18 doanh nghiệp; chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho 13 người; đăng ký thỏa ước lao động tập thể cho 04 đơn vị; phối hợp thẩm định nhu cầu nhập cảnh lao động nước ngoài cho 05 doanh nghiệp.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 được Ban quan tâm triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp linh hoạt. Đồng thời phối hợp với các trung tâm y tế trên địa bàn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người lao động trong các KCN, góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Lâm Đồng năm 2021 |
Giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh
Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2021 Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 dự án (01 dự án FDI và 06 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 320,5 tỷ đồng và 3,6 triệu USD (diện tích thuê đất 6,38 ha, lao động đăng ký 342 người); đồng thời điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án.
Lũy kế đến hết năm 2021, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 85 dự án (trong đó có 22 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.910 tỷ đồng và 107,74 triệu USD (lao động đăng ký là 14.298 người và diện tích đất đăng ký 180,99 ha); trong đó:
KCN Lộc Sơn thu hút 51 dự án đầu tư (trong đó có 10 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.776 tỷ đồng và 49,9 triệu USD; lao động đăng ký 9.759 người.
KCN Phú Hội thu hút 34 dự án đầu tư (trong đó có 12 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.160 tỷ đồng và 56,23 triệu USD (lao động đăng ký là 4.539 người).
Đến hết năm 2021, trong các KCN tỉnh Lâm Đồng có 49 doanh nghiệp/dự án (trong đó có 18 dự án FDI) đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó tại KCN Lộc Sơn có 25 dự án (08 dự án FDI) và KCN Phú Hội có 24 dự án (10 dự án FDI).Tổng số công nhân lao động làm việc trong các KCN Tỉnh là 4.800 người.
Năm 2021 các doanh nghiệp KCN đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu đạt 5.467,09 tỷ đồng; Xuất khẩu đạt 109,02 triệu USD; Tiêu thụ nội địa đạt 3.277,34 tỷ đồng; Giá trị nhập khẩu đạt 6,47 triệu USD; Nộp thuế 1.130,83 tỷ đồng (đạt 118,29% so với cùng kỳ, bằng 113,08% so với kế hoạch).
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Lâm Đồng |
Tín hiệu vui trong 02 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, bước sang năm 2022, trong các KCN Tỉnh có thêm 02 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong trong các KCN trên địa bàn Tỉnh tính đến hết tháng 2/2022 là 51 doanh nghiệp/dự án (trong đó 18 dự án FDI); trong đó: tại KCN Lộc Sơn có 26 dự án (08 dự án FDI) và KCN Phú Hội có 25 dự án (10 dự án FDI).
Trong 02 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN tiếp tục ổn định và phát triển, với một số kết quả chủ yếu đạt được như sau: Doanh thu đạt 1.173,62 tỷ đồng, bằng 148,07% so với cùng kỳ, bằng 17,30% so với kế hoạch; Xuất khẩu đạt 22,32 triệu USD, bằng 168,69% so với cùng kỳ, bằng 14,21% so với kế hoạch; Tiêu thụ nội địa đạt 687,85 tỷ đồng, bằng 133,33% so với cùng kỳ, bằng 21,67% so với kế hoạch; Giá trị nhập khẩu đạt 0,88 triệu USD; Nộp thuế đạt 202,05 tỷ đồng, bằng 110,26% so với cùng kỳ, bằng 15,54% so với kế hoạch.
Đến ngày 15/02/2022, các KCN Tỉnh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4.750 người lao động (trong đó lao động người Việt Nam là 4.713 người, lao động người nước ngoài là 37 người).
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển KCN
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Lâm Đồng |
Hoạt động quản lý nhà nước về KCN trong 02 tháng đầu năm 2022 tại Ban Quản lý các KCN Tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên mọi lĩnh vực được phân cấp.
Đặc biệt Ban luôn quan tâm chú trọng công tác cải cách hành chính, phấn đấu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả. Trong 02 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã tập trung xây dựng kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022; thực hiện rà soát công khai thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý, tích hợp với cổng dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo nội dung công khai, chính xác, đồng bộ và kịp thời. Kết quả, trong 02 tháng đầu năm 2022 Ban Quản lý đã giải quyết 03 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt 100%.
Được biết trong tháng 3 này, Ban Quản lý đặt mục tiêu tiếp tục rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đăng ký triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo Ban Quản lý, để nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý và phát triển các KCN nhằm tiếp tục thực hiện thành công “Mục tiêu kép” trong năm 2022, Ban Quản lý sẽ quyết tâm phấn đấu triển khai thành công những nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Một là, tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN.
Hai là, thực hiện rà soát về tiến độ đầu tư và sử dụng đất đối với tất cả các dự án tại các KCN; kiên quyết điều chỉnh giảm diện tích hoặc đề xuất UBND tỉnh thu hồi đối với những dự án đã cho thuê nhưng chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Ba là, tăng cường công tác thẩm định, lựa chọn những dự án đầu tư có năng lực, quy mô vào đầu tư tại các KCN; hình thành các tiêu chí để lựa chọn dự án đầu tư vào KCN; tập trung thu hút và ưu tiên các dự án chế biến sâu nông sản là những mặt hàng có thế mạnh của Tỉnh, các ngành nghề có đóng góp lớn cho ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng KCN. Triển khai các thủ tục đầu tư và thành lập KCN Phú Bình, phấn đấu đến cuối năm 2022 thành lập KCN Phú Bình.
Năm là, xử lý dứt điểm những trường hợp doanh nghiệp chậm hoặc nợ tiền phí sử dụng hạ tầng và tiền thuê đất; chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan thống nhất đề xuất giải quyết vướng mắc trong thực hiện thủ tục miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp KCN và công tác thu tiền thuê lại đất của doanh nghiệp.
Chỉ đạo, đôn đốc Công ty PTHT KCN tích cực trong công tác thu phí hạ tầng và tiền thuê đất (đạt 100%) đối với nhóm các dự án đang hoạt động và đang xây dựng.
Sáu là, nghiêm túc chấn chỉnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các KCN. Thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch ngành nghề tại KCN Phú Hội cho phù hợp với thực tế.
Bảy là, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND Tỉnh các nội dung có liên quan về phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường của các dự án trong KCN nhằm đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.
Tám là, tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; liên kết sản xuất, chế biến tại chỗ các sản phẩm công nghiệp, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ.
Thực hiện đối thoại với doanh nghiệp trong KCN 02 lần/1 năm để kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Phối hợp với các sở ban ngành hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, vay vốn ưu đãi ngân hàng thương mại để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO…
Xây dựng kế hoạch và phối hợp đề xuất ngân sách Tỉnh tập trung phân bổ vốn đầu tư trung hạn để hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm, bảo đảm tốt hơn nhu cầu lao động của doanh nghiệp KCN./.
Bình luận