Để năm 2025, nền kinh tế tăng tốc và về đích
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra.
GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.
Về sử dụng GDP quý 4/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7.54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Phân tích sâu hơn về tăng trưởng GDP của Việt Nam, bà Hương chỉ rõ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0.26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5.03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4.03%, đóng góp 0.10 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024, đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, đóng góp 2.49 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10.05%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,24%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,87%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,96% so với năm trước, đóng góp 0,80 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,82%, đóng góp 0.68 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
"Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở nước ta", bà Hương chỉ rõ.
Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế
Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Bà Hương nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong năm 2025.
Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Hai là, Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản…
Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Sáu là, tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống
Bình luận