TS. Vũ Bằng: Chính sách cần tăng cường minh bạch và chỉ nên chặn đúng chỗ có rủi ro
Nên có cái nhìn trân trọng con số 500.000 tỷ đồng vốn huy động từ trái phiếu riêng lẻ...
TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3/2022, TS. Vũ Bằng đưa ra một góc nhìn riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, trong bối cảnh nền kinh tế gặp thách thức rất lớn từ đại dịch Covid-19, thì kênh phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp đã huy động được trên 500.000 tỷ đồng vốn mới, giúp cho rất nhiều doanh nghiệp có được vốn để trụ lại, vượt qua khó khăn của năm 2021, đồng thời làm giảm áp lực, giảm rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng. "Đặt trong bối cảnh vĩ mô khó khăn của nền kinh tế thì 500.000 tỷ đồng từ trái phiếu riêng lẻ chảy vào ngân hàng, vào doanh nghiệp là rất đáng trân trọng. Tất nhiên, bên cạnh đó có những hình thái huy động trá hình, nhưng Bộ Tài chính đã và đang giám sát xử lý, đồng thời đang có những động thái sửa đổi khung pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu riêng lẻ trong thời gian tới đây", ông nói.
Tuy nhiên, TS. Vũ Bằng nhận định, bản dự thảo Nghị định về doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ mới đây cho thấy, việc điều chỉnh chính sách có nhiều quy định quá chặt, chuyển từ hữu sang tả, có nguy cơ làm cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian tới đây.
Thực tế, để xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu cần rất nhiều thời gian. TS. Vũ Bằng dẫn kinh nghiệm quốc tế như tại Thái Lan và ngay Việt Nam từ thực tế xây dựng thị trường trái phiếu chính phủ cho thấy, cần có lộ trình và phải làm từng bước. Không thể có ngay một thị trường tốt, hay không thể mong có ngay một cơ cấu huy động vốn cân bằng, dài hạn ngay từ đầu. Với trái phiếu chính phủ, lúc đầu, khi mới tạo lập thị trường những năm 2000, Chính phủ cũng chỉ phát hành với kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và lãi suất rất cao, sau đó, 5-10 năm sau, thị trường dần hoàn thiện và nay Chính phủ có thể huy động trái phiếu với lãi suất rất thấp, kỳ hạn 10 năm, 20 năm, 30 năm.
"Xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần đi theo từng bước và đặc biệt cần kiểm soát rủi ro bằng các công cụ mang tính chất kinh tế, điều tiết đúng chỗ có rủi ro, chứ không nên chặn rủi ro bằng chính sách, hay quá hạn chế doanh nghiệp phát hành", ông nói.
Với trái phiếu riêng lẻ, nguyên tắc đầu tiên của công cụ này là nhà đầu tư phải là người hiểu biết và phải tự chịu rủi ro. Nhà nước không thể ngăn chặn được hết rủi ro được. Nguyên tắc thứ hai là phải tính đến chỗ nào là chỗ rủi ro. Chỗ rủi ro lớn nhất là doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo. Thứ hai là doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực không đảm bảo. Theo đó, chính sách nên kiểm soát chính những chỗ rủi ro này.
TS. Vũ Bằng gợi ý, với doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, quy định pháp lý chỉ nên cho phép doanh nghiệp huy động một tỷ lệ nhỏ trên vốn chủ sở hữu; quy định việc phát hành cho một lượng nhà đầu tư nhất định và kỳ hạn trái phiếu ngắn… Quy định cũng nên từng bước buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, để nhà đầu tư biết rõ hơn cơ hội và rủi ro trước khi quyết định rót vốn. “Chính sách chỉ nên kiểm soát những chỗ rủi ro và thúc đẩy tính minh bạch, chứ không nên chặn quá chặt, sẽ làm mất cơ hội lớn lên của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán”, ông Bằng nói.
Cần nuôi dưỡng nguồn vốn chảy vào doanh nghiệp
Để nền kinh tế phục hồi, điều kiện tiên quyết là các chính sách cần tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Năm 2021, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính và nỗ lực của ngành chứng khoán, TTCK Việt Nam đã có thêm 1,5 triệu tài khoản được mở, bằng số tài khoản mở mới của 4 năm liền trước đó cộng lại. Đặc biệt, giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước, cho thấy, TTCK tiếp tục thực hiện chức năng là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, để kênh chứng khoán tiếp tục phát huy và thực hiện tốt vai trò là kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế, TS Vũ Bằng chia sẻ, chúng ta cần phân biệt rõ 2 loại vốn trên TTCK. Thứ nhất, vốn vào thị trường sơ cấp tức là vào thẳng doanh nghiệp, đó là nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra hiệu quả cho xã hội. Nguồn vốn này vào càng nhiều càng quý.
Thứ hai, vốn vào thứ cấp, tức là các hoạt động giao dịch, mua đi bán lại trên sàn chứng khoán. Nếu dòng vốn này có những biểu hiện thao túng, làm giá, thì phải kiểm soát thật chặt để giữ niềm tin của nhà đầu tư.
Trong thách thức, khó khăn chung của môi trường kinh doanh, nguồn vốn cho các DN để tồn tại và phát triển luôn là yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng, các chính sách mới cần tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp huy động vốn từ chứng khoán, cụ thể là từ trái phiếu doanh nghiệp, từ cổ phiếu và các công cụ tài chính trên TTCK Việt Nam.
Theo TS. Vũ Bằng, nếu như năm ngoái, quan điểm kiểm soát dòng vốn từ chứng khoán vào bất động sản là phù hợp thì năm nay, việc đưa ra thông điệp này cần hết sức cân nhắc, bởi nếu phát những tín hiệu thái quá, sẽ tạo ra tâm lý bất an, gây khó khăn không chỉ cho hoạt động gọi vốn của các doanh nghiệp, mà còn tác động đến ổn định kinh tế, và đặc biệt nợ xấu ngân hàng sẽ ảnh hưởng mạnh.
Chủ trương thúc đẩy nguồn vốn trong nền kinh tế vào các lĩnh vực sản xuất là đúng, nhưng cách phát ngôn phải khéo léo, dễ hiểu, dễ đoán định. Phát ngôn phải tránh gây sốc và mọi diễn tiến chính sách đều nên có lộ trình.
Chính sách cần phản ứng nhanh với bối cảnh mới
Tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3/2022 |
Trong bức tranh chung của nền kinh tế, nhận định về tác động của cuộc chiến tại Ukraine - Nga, TS. Vũ Bằng chia sẻ, tác động trực tiếp là tạo nên biến động về giá cả nguyên liệu, giá vàng, USD, tỷ giá, gây ra lạm phát và xu hướng tăng lãi suất. Tác động thứ hai là thúc đẩy nhanh quá trình tái định hình lại các chính sách kinh tế, chính trị, ngoại giao, liên quan đến thương mại toàn cầu và dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Xung đột xảy ra đang và sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu. Với Việt Nam, ông Vũ Bằng có nhận định không quá tiêu cực. Theo đó, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi hơn, theo đó tác động cũng không giống các nước khác. Lạm phát toàn cầu có thể tăng cao, nhưng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ phải kích thích nền kinh tế, nên dù có chịu ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu, nhưng sẽ không lớn.
Về lãi suất, mặt bằng lãi suất trên nhiều thị trường quốc tế tăng, nhưng tại Việt Nam, theo TS. Vũ Bằng, NHTW nhiều khả năng sẽ không thực hiện chính sách tăng lãi suất thời điểm này vì chúng ta đang trong nỗ lực thực hiện Chương trình phục hồi nền kinh tế. Về tỷ giá, Việt Nam hiện có cán cân cung cầu ngoài tệ khá tốt và các giải pháp điều hành hiệu quả, nên dự báo tỷ giá sẽ không biến động nhiều.
Với TTCK Việt Nam, TS. Vũ Bằng cho rằng, năm 2022 có nhiều cơ hội. Sau khi Chính phủ điều chỉnh chính sách vaccine vào quý IV/2021, nền kinh tế nước ta hoạt động sôi động trở lại, đà tăng trưởng đang và sẽ ngày càng tích cực. Đặc biệt, Chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã chọn đúng 2 mũi trọng tâm là hướng nguồn lực đầu tư của đất nước vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ số. "Những nỗ lực này không chỉ giúp kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, mà còn tăng cường khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài", ông nói.
Tác động của chiến sự sẽ khiến sự dịch chuyển các dòng vốn diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng với những thế mạnh đang có, Việt Nam có lợi thế trong thu hút luồng vốn mới. Nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã công khai bày tỏ, họ rất quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nhưng TS. Vũ Bằng cho rằng, để biến thách thức thành cơ hội, trong ngắn hạn, Việt Nam cần có động thái kiểm soát lạm phát, tránh để tình trạng giá nhiên liệu hay những biến cố từ môi trường quốc tế tác động quá mạnh vào nền kinh tế.
TS. Vũ Bằng khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung kiểm soát biến động giá ở các ngành hàng mà nước ta đang chủ động được nguồn cung ứng, để giữ vững ổn định giá, từ đó, tạo nền tảng hỗ trợ mặt bằng giá cho cả nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm các khâu trung gian, phân phối… để kiểm soát lạm phát và trong công tác tuyên truyền, tránh nêu nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý dư luận. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi "tát nước theo mưa", lợi dụng bối cảnh hiện nay để đầu cơ trục lợi, để giữ vững niềm tin của người dân vào các giải pháp điều hành nền kinh tế của Chính phủ.
TS. Vũ Bằng cũng khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành cần nhanh chóng có quyết sách hỗ trợ giá nhiên liệu. Nếu có chính sách hỗ trợ tốt, giá nhiên liệu tại Việt Nam sẽ ổn định và sẽ tác động tốt đến Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trường hợp ngược lại, nếu cứ để giá nhiên liệu tăng nhanh, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sẽ giảm đi nhiều./.
GS.TSKH Nguyễn Mại: Đề nghị Chính phủ giữ giá dầu ở 22-23.000/lít đến hết tháng 6 Thế giới đang phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định và kiến nghị, chính sách điều hành nền kinh ... |
Sẽ phát triển chứng khoán xanh, tăng chất lượng minh bạch và kỷ cương thị trường Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ những định hướng chính trong ... |
Bình luận