Từ 1/7/2017: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô chính thức là ngành kinh doanh có điều kiện
Tuy nhiên, sáng nay, dự thảo luật trình Quốc hội bấm nút đã có tên khác: Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Nguyên nhân theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là vì, khi khi rà soát tiếp thu ý kiến đại biểu đã dẫn đến việc cần bổ sung kinh doanh pháo nổ vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6 của Luật Đầu tư.
Kết quả biểu quyết tán thành Luật này khá cao, chỉ có 410 đại biểu, chiếm hơn 83%, biểu quyết đã thông qua; 36 đại biểu không tán thành (chiếm 7,3%) và 10 đại biểu không biểu quyết.
Như vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Về đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề xuất khẩu gạo, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia. Việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế, hơn nữa để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ, do đó xin giữ như dự thảo luật.
Luật cũng thu hẹp điều kiện về kinh doanh mũ bảo hiểm thành sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Liên quan đến việc giữ điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh dịch vụ bảo hảnh, bảo dưỡng xe ôtô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu. Kết quả, đa số đại biểu tán thành với (290/439 chiếm 66,05%).
Một đề xuất gây tranh cãi khác đó là việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cơ quan đề xuất, bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm: UBND tỉnh Quảng Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Lý do đề xuất là, xe ôtô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng xe ôtô có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần áp dụng điều kiện kinh doanh ôtô từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến bảo hành, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, đối với ôtô nhập khẩu, hiện nay doanh nghiệp nhập khẩu thường không phải đầu tư nhà máy sản xuất-lắp ráp ôtô đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và sản phẩm nhập khẩu cũng không nhất thiết phải có “giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” (hoặc tương đương) do nước sản xuất cấp, dẫn đến chưa đảm bảo công bằng giữa nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và nhà nhập khẩu.
Về đề xuất bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có 348/439 (chiếm 79,3% đại biểu) tán thành.
Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh còn 243 ngành, nghề. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Riêng quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô.
Luật giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này./.
Bình luận