Từ năm 2018, mức tiền lương phải đóng BHXH được quy định thế nào?
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Đối với các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, tại điểm a Khoản 3 Điều 4 về tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động quy định, các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Đối với các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về BHXH bắt buộc và quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. |
Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có lộ trình đối với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng để doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Về vấn đề này, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định mức tiền lương này bao gồm cả tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2016 đến hết năm 2017 là mức lương và phụ cấp lương.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết cũng chỉ rõ các khoản phụ cấp, bổ sung nào sẽ dùng để đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, đã tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp do tác động kép của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội như trên.
Bên cạnh đó, hàng năm Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm đại diện của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương) cũng xem xét, thảo luận các yếu tố để khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng.
Với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội sẽ tham gia tích cực với Hội đồng trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm cho phù hợp với thực tế để vừa bảo đảm đời sống của người lao động, vừa không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
Bình luận