Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24-27/8/2023 tại Hà Nội
Để quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm Na Chi Lăng năm 2023, UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu Na Chi Lăng.
Cụ thể, tổ chức chương trình “Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” vào ngày 19/8, tại chợ nông sản, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Tham gia chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Nghệ sĩ Quang Tèo, ca sĩ Thùy Dung và nhiều người có ảnh hưởng trên nền các nền tảng mạng xã hội tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn Huyện.
Bên cạnh đó, Huyện tổ chức Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 (từ ngày 24/8 - 27/8/2023) tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (địa chỉ số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của Huyện.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện Chi Lăng ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng |
Đây là các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm thông qua các chương trình phát động thi đua sản xuất sản phẩm an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức kết nối tiêu thụ nông, đặc sản và sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo thông tin từ UBND huyện Chi Lăng, na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha.
Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Na Chi Lăng có nhiều đặc điểm khác biệt với những giống na ở các vùng khác. Đó là quả to đều, khi chín có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, thịt quả nhiều, có màu trắng kem và ăn rất ngon. Từ những năm 2013, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP; đến năm 2017 áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 vào sản xuất na.
Tính đến nay, Huyện đã thực hiện được 613,62 ha na đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ biết cải thiện trọng lượng, chất lượng quả na, không còn nhiều na nhỏ trên cây, thay vì thu 2 - 3 gánh na nhỏ như trước đây, hiện tại nông dân chỉ cần thu về một gánh na to được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP./.
Bình luận