Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các địa phương đã kết thúc bầu cử. Nhìn chung, tỷ lệ cử tri trên cả nước tham gia bỏ phiếu rất cao, đạt 98,77%. Trong đó có 2 tỉnh có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất (99,99%) là tỉnh Thừa Thiên-Huế và Yên Bái.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đạt tỷ lệ cao như: Hòa Bình (99,98%); Quảng Nam và Bến Tre (99,97%); Lai Châu (99,96%); Hậu Giang (99,95%); Bắc Ninh (99,91%); Đắk Lắk (99,9%); Lạng Sơn (99,84%); Ninh Thuận (99,8%); Tiền Giang (99,76%); Phú Yên (99,73%); Tuyên Quang (99,74%); Sóc Trăng (99,69%); Khánh Hòa (99,67%); Quảng Ninh (99,66%)…

Hầu hết các tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc bỏ phiếu theo đúng giờ quy định và đang khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử đến ban bầu cử.

Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương cơ bản ổn định.

“Có thể khẳng định, đến thời điểm này, cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn tuyệt đối. Việc mở hòm phiếu và việc kiểm phiếu, đếm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… rất dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là điểm mới trong thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin cập nhật từ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình bầu cử trong cả nước tính đến 17 giờ 00 ngày 22/5/2016 cho thấy, 63.312.495 cử tri (95,84%) cử tri cả nước đã tham gia bỏ phiếu, trong đó có 32.115 tổ bầu cử có 100% cử tri đã tham gia bỏ phiếu.

Cụ thể, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tính đến thời điểm này, tổng số cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu có 63.312.495 cử tri (95,84%), trong đó có 32.115 tổ bầu cử có 100% cử tri đã tham gia bỏ phiếu.

Cử tri tại phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) đang nghiên cứu thông tin của các ứng cử viên trước khi quyết định bầu

Theo đánh giá của dư luận, đây là cuộc bầu cử dân chủ, đổi mới, thật sự phát huy quyền dân chủ của Nhân dân. Cử tri đã thể hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời nhân dân luôn tin tưởng vào sự thành công chung của cuộc bầu cử.

Cử tri đã thể hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng

Theo báo cáo của các địa phương, tình hình thời tiết tại các điểm bầu cử thuận lợi. Giao thông đi lại cơ bản thuận lợi. Một số địa bàn có mưa to, nhưng không ảnh hưởng lớn đến tiến độ bầu cử. Thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn trong thời gian bầu cử.

Tính đến thời điểm này, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương cơ bản ổn định.

Trước đó, thông tin từ Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, tổng số 69.265.810 cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội, 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã của nhiệm kỳ 2016-2021.

Để chuẩn bị cho bầu cử, trên phạm vi cả nước đã thành lập 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 91.476 Tổ bầu cử.

Số cử tri trẻ đã thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm đối với lá phiếu của mình

Tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tổng số 870 người ứng cử. Trong đó, 197 người ứng cử ở Trung ương, 662 người ứng cử ở địa phương và 11 người tự ứng cử.

Tại 1.096 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; tại 6.721 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; tại 79.888 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 294.055 đại biểu HĐND cấp xã./.