Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk đã được đưa ra thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển Thành phố nhanh và bền vững (ảnh: Quốc hội) |
Trình bày ý kiến thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một Thành phố trực thuộc tỉnh – 1 đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
“Bên cạnh các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về thuế mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thực chất hơn cho các doanh nghiệp có các dự án có doanh thu trong địa bàn…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề xuất. |
“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, để thể chế hóa Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ ‘xây dựng văn bản pháp luật cho phép TP. Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù’ nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…”, ông Cường cho hay.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nội dung này và đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với 4 nhóm chính sách thí điểm như trong Tờ trình của Chính phủ, các chính sách này đã đảm bảo tính thống nhất, tương đồng với các thành phố khác được áp dụng chính sách đặc thù. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm các chính sách để hỗ trợ TP. Buôn Ma Thuột phát triển vượt trội hơn về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa… đáp ứng được yêu cầu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, cà phê là sản phẩm nổi tiếng Buôn Mê Thuột, do đó, chúng ta nên nghiên cứu thêm các chính sách đặc thù cho sản phẩm này (ảnh: Quốc hội) |
Ngoài tán thành với sự cần thiết thiết và các nhóm chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất áp dụng cho TP. Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, cà phê là sản phẩm nổi tiếng Buôn Mê Thuột. Do vậy, chúng ta nên nghiên cứu thêm các chính sách đặc thù cho sản phẩm này, liên quan đến phát triển các chuỗi giá trị cây cà phê, chế biến sâu, tái canh, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, thu hút các nhà đầu tư… góp phần tạo thế mạnh cho nông sản chủ lực tham gia tích cực vào thị trường quốc tế.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)./.
Bình luận