VAMC đề xuất tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng
Tăng vốn điều lệ gấp 5 lần
Trong các phương án đề xuất để nâng cao năng lực tài chính, làm hậu thuẫn cho hoạt động mua nợ theo giá thị trường (hiện chưa thể thực hiện được) và tạo lập thị trường mua bán nợ, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro, VAMC muốn được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường.
Với việc tăng vốn này, VAMC cho biết sẽ tăng năng lực xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng trong lộ trình nâng cao năng lực xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.
Nguồn vốn được đề nghị bổ sung cũng cần thiết cho việc quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh nợ của công ty. VAMC muốn lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường.
Những khoản dự phòng này (nếu có) sẽ để xử lý rủi ro trong các trường hợp: khi khoản nợ được VAMC bán với giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ tại VAMC tại thời điểm xử lý rủi ro, hoặc khách hàng vay là tổ chức đã giải thể, phá sản, khách hàng vay là cá nhân qua đời, mất tích.
Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng như hiện nay VAMC không thể thực hiện kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường
Lộ trình mua nợ xấu theo giá thị trường
VAMC vẫn tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu. Dự kiến đến năm 2020, VAMC sẽ mua vào tổng nợ bằng trái phiếu đặc biệt giá trị khoảng 150.000 tỷ đồng dư nợ gốc (có tính đến việc mua nợ của một số ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và số dư nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 còn lại của các tổ chức tín dụng).
Công ty cho biết cũng đang đẩy mạnh việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường đối với các khoản nợ đang được tổ chức tín dụng hạch toán nội bảng, ngoại bảng và các khoản nợ VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến đến năm 2020, VAMC thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với giá mua nợ khoảng từ 10.000 tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng tùy theo tiến độ được cấp vốn điều lệ.
Đồng thời, VAMC muốn phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ ra thị trường với trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xúc tiến việc vay vốn của các tổ chức trong nước và quốc tế cho hoạt động xử lý nợ của chính phủ bắt đầu từ năm 2018./.
Bình luận