Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương.

“Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”

Những thách thức lớn của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã được đề cập tới trong nhiều năm qua, với ý kiến của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên mọi lĩnh vực, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và cả các tổ chức quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Chúng ta đã làm đồng bộ 3 hợp phần về đầu tư, chính sách và nâng cao năng lực trong ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra.

Thế nhưn,g theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “biến đổi khí hậu đang tới rất nhanh. Chúng ta đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”.

Trong khi đó, “chúng ta còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ, ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, “anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”. Cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì cho rằng, hiện, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp.

Hiện tại có hơn 2.500 quy hoạch vùng ĐBSCL

Đó là con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26/09/2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, số lượng quy hoạch quá nhiều dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ.

Hầu hết các quy hoạch chỉ chú trọng giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, địa phương, không đặt trong tổng thế phát triển vùng. Bên cạnh đó, các quy hoạch còn dàn trải, không gắn với nguồn lực, chưa giải quyết được các thách thức và rủi ro do hoạt động phát triển, BĐKH và thiên tai.

Điểm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đó là liên kết vùng còn yếu và thiếu cơ chế quản lý vùng.

Nhận định trên cũng đồng quan điểm đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra trước đó. Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ, chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL: Thế nào?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định mục tiêu tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất, khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn.

Định hướng quy hoạch có quan điểm tổng thể phát triển vùng ĐBSCL theo hướng thích ứng với BĐKH, vận hành theo quy luật tự nhiên và phát huy các giá trị của hệ sinh thái bản địa.

Để xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL, dự kiến, quý I/2018 sẽ tuyển chọn xong tư vấn quốc tế có năng lực và kinh nghiệm về vùng ĐBSCL hoặc các vùng khác có điều kiện tương tự. Thời gian lập quy hoạch dự kiến khoảng 18 tháng, đến quý I/2019 sẽ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tư tưởng quy hoạch cần chú ý đến 2 trụ cột chính là quản lý nước và đất. Dựa trên đó có khung chiến lược cho toàn vùng, làm sao các ngành khi phát triển không gây ra xung đột, mâu thuẫn với nhau.

Cần chủ động quản lý tài nguyên nước, nước mặt lợ, ngọt ngầm, giảm bớt sự phụ thuộc vào thượng lưu. Quy hoạch lần này cần đưa ra chiến lược về quản lý tổng hợp nguồn nước, vì nếu khai thác nước ngầm lớn quá cũng dễ dẫn đến sụt lún…

Các vấn đề trọng tâm của ĐBSCL cần được giải quyết trong mối quan hệ đa lĩnh vực, quản lý kinh tế-xã hội, nguồn nước, nông lâm nghiệp, nông thôn hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường sinh thái, liên kết vùng...

Yêu cầu đặt ra bản quy hoạch vùng là phải có phương án phân vùng hợp lý, phân bổ không gian sản xuất nông nghiệp, phân ranh giới khu vực nước ưu tiên tận dụng nước mặn, hay nước ngọt bảo đảm tối ưu hoá lợi ích nguồn lợi hệ sinh thái tự nhiên. Khi quy hoạch các khu cụm cần tính toán thích ứng nước biển dâng.

Quy hoạch phải tính toán cả các phương án để sẵn sàng chủ động “sống chung với lũ” theo hướng bảo đảm khai thác lợi ích từ lũ. Với địa phương, cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, vừa bảo đảm an ninh lương thực, nhưng phải hướng sang nền kinh tế nông nghiệp có năng suất giá trị và hiệu quả cao.

Quy hoạch phải giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng, đưa ra các khung để các địa phương bám sát vào đó, đưa ra định hướng phát triển của mình không mâu thuẫn với quy hoạch vùng. Nguyên tắc phải bảo đảm sao cho khi phát triển sản xuất phải hài hoà, đặt lợi ích phát triển lợi ích quốc gia lên trên hết, sau đó mới đến lợi ích vùng, địa phương…

Quan trọng là sau khi có các quy hoạch vùng, phải chuyển đổi được mô hình phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu thị trường, duy trì phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến tương xứng, đồng thời, phát triển các mảng khác như dịch vụ, du lịch.

Cần củng cố phát triển liên kết chuỗi không chỉ trong vùng ĐBSCL mà cả các vùng khác bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế.
”Theo tôi, để có tính đột phá, quy hoạch vùng ĐBSCL hiệu quả, rất cần sự phối hợp tham gia các bộ, ngành địa phương và sự điều phối, chỉ đạo của Chính phủ để đạt được mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả tốt nhất cho vùng”, ông Các nhấn mạnh.

Quy hoạch này cần sớm thực hiện để có hiệu lực từ năm 2019, phù hợp với thời gian dự kiến có hiệu lực của Luật Quy hoạch.

Đưa ra quan điểm về “quy hoạch tích hợp”, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ thì cho rằng, cần một “thuyền trưởng” tài giỏi để điều hành hài hòa các vấn đề, không để xảy ra trường hợp mạnh ai nấy làm.

Quy hoạch thủy lợi, giao thông, xây dựng đều hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sản xuất, tính toán luôn đến yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, cần tùy vào nhu cầu thị trường, vùng sinh thái thích nghi, thời điểm kinh tế-xã hội để quyết định lựa chọn cây, con trong sản xuất./.