Vẫn “tắc” trong gỡ tắc cho hàng hoá xuất sang Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp. Điều này dẫn đến nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động.
Việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cần có giải pháp căn cơ. Ảnh: VGP |
Để khắc phục tình trạng trên, việc giải quyết các kiến nghị của phía Trung Quốc tại cuộc hội đàm “hai nước bốn bên lần thứ 7” giữa Cục Hải quan các tỉnh: Lạng Sơm, Cao Bằng, Quảng Ninh với Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 12/2021, theo Tổng cục Hải quan đang được triển khai.
Theo đó, đối với kiến nghị Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch, Tổng Hải quan cho biết, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam đang nghiên cứu để xây dựng vùng xanh ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hoà với phía Trung Quốc. Do mỗi địa phương của Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng, chống dịch khác nhau, nên để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng. chống dịch hài hòa với từng địa phương của Trung Quốc, Bộ Tài chính đã có công văn số 930/BTC-TCHQ ngày 27/1/2022 gửi Bộ Y tế (là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ này) và giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới (tại công văn số 141/TCHQ-GSQL ngày 13/1/2022) nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng “vùng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng. chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, Việt Nam kiến nghị cơ quan hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới... |
Đối với kiến nghị phía Việt Nam sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm hóa, nâng cao hiệu suất thông quan, theo Tổng cục Hải quan, kiến nghị này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, ngày 28/1/2022, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 364/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, trao đổi với cơ quan có liên quan của Trung Quốc, để sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc.
Về kiến nghị Việt Nam phân luồng hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng đến những cửa khẩu chưa bị ùn tắc để xuất khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc rất hạn chế. Trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Tuy nhiên, trước tết Nguyên Đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau Tết Nguyên Đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Bên cạnh đó, việc thông quan tại các cửa khẩu này gặp nhiều khó khăn, khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt, do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng, chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp. Để thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, Việt Nam kiến nghị cơ quan hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.
Đối với kiến nghị Việt Nam mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu, theo Tổng cục Hải quan, việc mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu biên giới là biện pháp lâu dài, nên các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai. Trước mắt, để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp; thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu biên giới…/.
Bình luận