Vào TPP, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan hơn 98,3% mặt hàng nông sản
Ngày 6/11/2015, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn thể ISG 2015 với chủ đề “Việt Nam gia nhập TPP: Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp”.
Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực nông nghiệp của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thương mại khu vực TPP chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định trong nhiều năm gần đây. TPP mở ra cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam có mức thuế bằng 0%.
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với Việt Nam, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu cao sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản; mức độ trung bình đối với gạo, cà phê, cao su, gỗ, điều; mức độ tác động tiêu cực cao sẽ đến với ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, một cơ hội khác lớn hơn đối với nông nghiệp Việt Nam là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước. Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế cao. Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu (đặc biệt là ngành chăn nuôi) sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau.
Do đó, để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt, ông Trần Kim Long cho rằng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng, cho rằng: “chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao gồm cả công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất để phát triển mạnh hơn những mặt hàng là thế mạnh, như: cà phê, trái cây nhiệt đới, thủy sản với chất lượng cao, giá thành hạ để có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, đem lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất trong nước”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nhấn mạnh: Giải pháp để khai thác tốt hơn thời cơ mới do TPP đem lại và đối phó một cách có hiệu quả đối với thách thức, đó là chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy cao hơn lợi thế của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường mà đã được các nước cam kết mở cửa cho chúng ta.
Mặt khác, cần nâng cao khả năng cạnh tranh những ngành hàng hiện nay chúng ta còn yếu thế, để chúng ta đứng vững không chỉ cạnh tranh trong TPP mà còn cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp nói chung.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng nhiều văn bản, luật pháp và cơ chế chinh sách để trình Chính phủ và Quốc hội để ban hành, tạo ra một hành lang pháp lý, một môi trường thuận lợi để thực hiện giải pháp quan trọng đối với ngành.
Đối với khoa học kỹ thuật, ngoài việc đổi mới cách quản lý các cơ sở nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà nước, Bộ cũng chú trọng tới việc tạo môi trường thuận lợi, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao.
“Chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất và luôn đồng hành cùng bà con nông dân và doanh nghiệp để phát huy những thời cơ mà do hiệp định tự do hóa thương mại (trong đó có TPP) đem lại, cũng như khắc phục những thách thức mà chúng ta phải đối phó”, Bộ trưởng cam kết./.
Bình luận