Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 chỉ đạt 4,8% kế hoạch năm 2022?
Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 01/2022 ước tính đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2021, thì tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%).
Hình 1: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 01 năm 2022 phân theo bộ, ngành
Tỷ đồng
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,2% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% và tăng 14,4%; Vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, bằng 7,1% và giảm 0,8%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 01/2022 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hình 2. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tỷ lệ giải ngân tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 3374 tỷ đồng. Tiếp đó đến Quảng Ninh với 1.009 tỷ đồng, tăng 15,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu với 723 tỷ đồng (nhưng lại giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021); Hải Phòng với 710 tỷ đồng, tăng tới 22,2%.
Hình 2: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 01 năm 2022 phân theo địa phương
Tỷ đồng
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Lý giải vì sao tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 4,8% so với kế hoạch năm, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.
Năm 2022, là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Nghị quyết của Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản 8691/BKHĐT-TH về đôn đốc giải ngân năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022;
Trong đó, Bộ này đã đề nghị một số giải pháp, tiến độ liên quan đến phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 theo quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận