Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh hướng đến chuẩn mực của OECD
Quan tâm đến cơ hội kinh doanh ở Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu, hôm nay (ngày 6/7) tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Áo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Áo tổ chức, theo Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Áo. Ảnh: Quốc hội |
Tuy sự kiện diễn ra trong bối cảnh hạn chế số người tham dự do dịch bệnh, nhưng hàng trăm doanh nghiệp Áo đã có mặt tại Diễn đàn, để trực tiếp phát biểu về những mong muốn và kiến nghị với các nhà lãnh đạo Việt Nam... Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác tại mỗi nước.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Áo đã nêu những câu hỏi trực tiếp với các Bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi tại Việt Nam. Doanh nghiệp Áo cam kết sẽ có những tiếng nói để tác động đến chính phủ để ủng hộ Việt Nam về thiết bị vật tư, y tế phòng chống dịch.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Áo hiện có 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD tại Việt Nam, trong đó, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, khoa học công nghệ. Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, hiện nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD (gấp 13 lần so với năm 2010), con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cần thúc đẩy dòng vốn đầu tư giữa hai nước
Liên quan đến chủ trương thu hút đầu tư từ nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam xây dựng chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội gợi mở hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Áo về hợp tác kinh tế thương mại. Các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích, thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Rất nhiều doanh nghiệp Áo tham gia Diễn đàn để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội mong muốn doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam và có tiếng nói thúc đẩy để Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) trong thời gian sớm nhất. Việc EVIPA sớm có hiệu lực cùng với EVFTA sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung, doanh nghiệp Áo nói riêng đầu tư vào Việt Nam, mở ra những cơ hội mới kết nối giao thương giữa Việt Nam và Áo...
“Quốc hội Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình...”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Sau Diễn đàn, các Bộ trưởng, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Áo đã có các cuộc gặp gỡ riêng, để trao đổi, cụ thể hóa hơn những dự định, tiềm năng hợp tác, cùng nhau xem xét tìm hướng giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư trong thời gian tới./.
Bình luận