Việt Nam cần động lực mới để tăng trưởng và chìa khóa là "đổi mới sáng tạo"
Sáng ngày 3/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng thế giới và Đại sứ quán Australia tổ chức hội thảo công bố các báo cáo về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, gồm: "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và " Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế".
Trong đó, Báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Báo cáo được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Chương trình Đối tác chiến lược Giai đoạn II giữa Chính phủ Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ.
Báo cáo này nghiên cứu chính sách và khuôn khổ phát triển hiện tại của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam, phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, đề xuất chương trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng về đổi mới sáng tạo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam".
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
Bản báo cáo gợi ý rằng, Việt Nam nên định hướng lại chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ việc hỗ trợ đổi mới cấp tiến sang thúc đẩy việc hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự phổ biến công nghệ - không chỉ là nghiên cứu và phát triển - có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể.
Do đó, để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ cần một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phù hợp hơn với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp, cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo, như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án.
Còn báo cáo "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" đã phân tích tác động, định lượng của việc hấp thụ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Báo cáo do CSIRO - Cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng thực hiện.
Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
Những kết quả của báo cáo này có thể là nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó các yếu tố về hiệu quả và tính sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng, vượt qua các yếu tố cơ bản là vốn và lao động giá rẻ.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ: "Một nhóm nhà nghiên cứu từ Australia và Việt Nam đã thực hiện báo cáo này trong một năm rưỡi, thu thập và phân tích dữ liệu trong giai đoạn gần 20 năm qua để phát triển hai mô hình kinh tế hiện đại, nhằm lượng hóa mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi hy vọng rằng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể vận dụng hai mô hình này trong hoạch định các chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia trong dài hạn".
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt |
Ông Huỳnh Thành Đạt khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn"./.
Bình luận