Ngày 15/10/2021 đã diễn ra Hội thảo tham vấn xác định ưu tiên đầu tư và tiếp cận nguồn lực tài chính Quỹ Khí hậu xanh (GCF) theo hình thức trực tuyến.

Việt Nam cần huy động 100 tỷ USD/năm đầu tư cho biến đổi khí hậu như đã cam kết tại Paris 2015
Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã thu hút được 148 triệu USD cho 05 dự án viện trợ không hoàn lại. Ảnh: MPI

Quỹ Khí hậu xanh (GCF) – công cụ tài chính cung cấp nguồn tài trợ cho giảm nhẹ biến đổi khí hậu

GCF là một trong những quỹ tài chính khí hậu lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2010 trong Khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu với mục tiêu tạo lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ cho những hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

GCF là thể chế tài chính đa phương độc lập có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp một lượng nguồn tài trợ cho thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Không giống như cơ chế tài chính quốc tế khác, Quỹ có một bước đột phá trong cơ cấu quản trị. Ban chỉ đạo Quỹ GCF được thành lập bình đẳng với 24 thành viên là đại diện của cả nước đang phát triển và phát triển. Đây là lần đầu tiên mà các nước đang phát triển có tiếng nói trong quá trình ra quyết định trong bất kỳ cơ chế tài chính lớn trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Quỹ cũng cam kết dành 50% của các nguồn lực của mình vào dự án thích ứng, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ những nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trước do những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, như các quốc gia nhỏ, nước kém phát triển nhất và châu Phi.

Tháng 8/2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển hoàn thành việc đóng góp 01 triệu USD cho Quỹ GCF, thực hiện cam kết và thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Quỹ được thành lập để tài trợ cho các dự án về lĩnh vực tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cuộc họp Ban chỉ đạo Quỹ lần thứ 7 đã đề xuất các tiêu chuẩn tín dụng cơ bản quan trọng, bao gồm những yêu cầu ủy thác tối thiểu để đảm bảo các tiêu chuẩn và năng lực trong: Chức năng tài chính và hành chính cốt lõi; Quản trị tốt; Các quy trình và hệ thống đấu thầu; Tính minh bạch và nhất quán; Chu kỳ quản lý dự án.

Tất cả những đơn vị được Quỹ chứng nhận phải đáp ứng và tuân thủ những tiêu chuẩn và tiêu chí tín dụng cơ bản. Sự công nhận đối với những tiêu chuẩn tín dụng này sẽ cho phép thực hiện Khung hướng dẫn, thủ tục cho các cơ quan thực hiện quốc gia và cơ quan thực hiện đa phương, khu vực, quốc tế, bao gồm những nguyên tắc và tiêu chuẩn tài chính và trách nhiệm bảo vệ môi trường và xã hội.

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Quỹ GCF

Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm; là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức liên quan, được xây dựng bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết, Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.

Việt Nam cần huy động 100 tỷ USD/năm đầu tư cho biến đổi khí hậu như đã cam kết tại Paris 2015
Toàn cảnh điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các cam kết này là huy động các nguồn lực để thực hiện, ông Lê Việt Anh cho biết, thực tế cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu mong muốn và huy động nguồn lực, phân bổ ngân sách còn rất lớn, dẫn đến nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ tăng cường hợp tác quốc tế huy động nguồn vốn tài chính khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao là Cơ quan đầu mối quốc gia tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh - Green Climate Fund (GCF) nhằm vận động nguồn vốn tài trợ cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian vừa qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của Quỹ GCF. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã thu hút được 148 triệu USD cho 05 dự án viện trợ không hoàn lại.

Tháng 8/2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển hoàn thành việc đóng góp 01 triệu USD cho Quỹ GCF, thực hiện cam kết và thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, ngoài nỗ lực của ngân sách Chính phủ, nhu cầu về tài chính đầu tư cho biến đổi khí hậu từ các nước phát triển còn rất lớn.

Cần chung tay huy động được 100 tỷ USD/năm đầu tư cho BĐKH

Thời gian tới, các cơ quan bộ, ngành, địa phương, đại diện các nhà tài trợ, đối tác phát triển cần chung tay để huy động thêm nguồn lực để đạt mục tiêu huy động được 100 tỷ USD/năm đầu tư cho biến đổi khí hậu như đã cam kết tại Paris năm 2015.

Tại Hội thảo, bà Diane McFadzien, Phụ trách vùng châu Á Thái Bình Dương, đại diện GCF chúc mừng Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối và huy động nguồn lực, thực hiện các dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đồng thời chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Cơ quan thẩm quyền quốc gia về GCF, Bộ đã tham gia các hoạt động đối thoại và hợp tác với GCF về cấu trúc chính sách và cơ hội hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư phát triển ít phát thải.

Bà Diane McFadzien cho biết, Quỹ GCF được thành lập năm 2010 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP16) tại Cancun, Mexico nhằm huy động các nguồn tài trợ cho đầu tư phát triển ít phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Bà Diane McFadzien cũng thông tin tổng quan về tình hình, kế hoạch huy động nguồn tài chính và hỗ trợ các bên; các loại hình dự án ưu tiên hỗ trợ, hợp tác trong thời gian tới; xác định tổ chức, đối tác hỗ trợ;…

Với mục tiêu chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tiếp cận, xây dựng đề xuất và thực hiện dự án tiếp cận nguồn tài chính của Quỹ GCF, Hội thảo đã nhận được những thông tin cập nhật về đề xuất tiếp cận của các cơ quan, tổ chức và xây dựng Danh mục định hướng tiếp cận Quỹ GCF cho giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng phát triển Việt Nam; các địa phương, tổ chức UNDP, IFAD, JICA… các tổ chức được Quỹ GCF công nhận tại Việt Nam đã có những chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án được Quỹ tài trợ; đưa ra các dự án đề xuất trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các bên cập nhật các thông tin về Quỹ GCF, trao đổi kinh nghiệm, rà soát, đánh giá các cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính khí hậu của Quỹ, từ đó xác định lộ trình triển khai tiếp theo để có thể huy động và quản lý tốt hơn cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.