Việt Nam có thể sẽ có năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 (từ ngày 1/12-15/12) đạt 10,59 tỷ USD, giảm 9,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,25 tỷ USD, giảm gần 15,9% (tương đương 0,99 tỷ USD); nhập khẩu đạt gần 5,34 tỷ USD, giảm 1,9% (tương đương 105 triệu USD) so với nửa cuối tháng 11.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất -nnhập khẩu của cả nước đạt 250,93 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 125,79 tỷ USD, tăng 15,4% và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 125,14 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Nếu tháng 12 này, mức xuất khẩu đạt bằng tháng 11 (gần 12 tỷ USD); mức nhập khẩu cao hơn so với tháng 11 (gần 11 tỷ USD), thì cả năm 2013, xuất khẩu ước đạt 132,5 tỷ USD, nhập khẩu gần 131,5 tỷ USD, thì mức xuất siêu sẽ cán mốc 1 tỷ USD. Nếu đạt được như vậy, năm 2013 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu.
Điều này có thể được coi là sự đánh dấu bước chuyển vị thế quan trọng của Việt Nam trong quan hệ thương mại với nước ngoài cũng như thế mạnh nổi trội của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh khó khăn chung.
Sau gần 20 năm nhập siêu (kể từ năm 1993), đặc biệt là có 6 năm nhập siêu lớn (2006-2011) với mức bình quân 12,1 tỷ USD/năm thì lần đầu tiên, nền kinh tế nước ta đã xuất siêu vào năm 2012.
Sang năm 2013, trong 11 tháng đầu năm, có 5 tháng nhập siêu (tháng 2, 3, 4, 5, 9), nhưng có 6 tháng xuất siêu (các tháng 1, 6, 7, 8, 10, 11, trong đó riêng tháng 11 xuất siêu 1 tỷ USD).
Song, điều đáng lưu ý là, đa số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là xuất thô, ví dụ như, chúng ta đang xuất khẩu mủ cao su để nhập về vỏ ruột xe của Trung Quốc; xuất than, khoáng sản và nhập về sắt thép; xuất gỗ dăm, gỗ nguyên liệu và nhập về các sản phẩm gỗ ép, giấy làm từ nguyên liệu gỗ... Và câu chuyện để xuất khẩu từ “thô” sang “tinh” vẫn luôn là bài toán khó giải đối với thị trường xuất khẩu Việt Nam./.
Bình luận