Việt Nam – Indonesia, cơ hội hợp tác phát triển KCN sinh thái
Toàn cảnh Hội thảo“Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển KCN thái giữa Việt Nam và Indonesia” |
Sáng ngày 11/9/2023 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo“Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia”. Hội thảo nằm trong Chương trình: "Trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái giữa các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam và Indonesia) trong khuôn khổ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP) và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức. Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (dự án KCN sinh thái) tham dự và chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu và khách mời chăm chú lắng nghe các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo về các chính sách phát triển KCN sinh thái của Việt Nam và Indonesia |
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, nhằm giới thiệu và trao đổi về các chính sách liên quan đến KCN sinh thái tại Việt Nam với các cơ quan liên quan của Indonesia.
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam còn có: Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương.
Về phía Indonesia có: ÔngHeru Kustanto, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp; bà Supartien Komaladewi, Bộ Kinh tế; bà Harni Sulistyowati, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp; bà Siti Sonia Adriaty, Phó Giám đốc điều hành, Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp; ông Robertus Satriotomo, KCN Delta Mas, Indonesia; bà Susi Rahmawati, KCN MM2100; ông Haris Arianto, KCN KIIC; bà Mariati, Trung tâm sản xuất sạch hơn.
Các đại biểu đến từ Indonesia |
Phát triển KCN sinh thái là một xu hướng tất yếu
Phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Indonesia, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án KCN sinh thái bày tỏ vui mừng, phấn khởi được đón tiếp Đoàn công tác. Giới thiệu với các các cơ quan của Indonesia của về kết quả phát triển các KCN tại Việt Nam, ông Lê Thành Quân cho biết, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, các KCN đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm... Các KCN khẳng định vị trí ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8/2023, Việt Nam đã có hơn 412 KCN, trong đó có 293 KCN đang hoạt động trên 61 tỉnh thành và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu từ các KCN của Việt Nam tăng trưởng hàng năm khoảng 19% và chiếm trên 55% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án KCN sinh thái phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Ông Lê Thành Quân cho rằng, theo xu thế phát triển, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển. Theo đó KCN, KKT đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, khả năng hợp tác để sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, sản xuất. Đồng thời, các đại dịch gần đây cho thấy các quốc gia cần phải xây dựng chiến lược và chính sách hướng tới phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững hơn, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng. Mặt khác, các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đối khí hậu, cam kết giảm phát ròng và các hiệp định FTA thế hệ mới đang đòi hỏi các quốc gia, cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp, thực hiện hoạt động sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị. Theo đó phát triển các KCN sinh thái được coi là tối ưu cho các mục tiêu trên, nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống.
Tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm cơ hội. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Ông Quân nhấn mạnh, xác định tầm quan trọng đó, tại Việt Nam, từ 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ và bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Trên cơ sở kế thừa các kết quả Dự án KCN sinh thái giai đoạn 2015-2019, với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển KCN sinh thái của UNIDO, Dự án đã góp phần nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc, cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26), Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái từ Dự án KCN trước, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Mô hình KCN sinh thái đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hoá cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Ông Lê Thành Quân khẳng định, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia Đông Nam Á trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do UNIDO và SECO thực hiện. Với sự hỗ trợ của UNIDO, giai đoạn vừa qua cả hai quốc gia đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể và có bước tiến lớn trong phát triển các KCN sinh thái. Hội nghị này là cơ hội để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với các cơ quan liên quan của Indonesia về những thành công, thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam. Các cơ quan liên quan của Indonesia đánh giá cao định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững. Theo đó, mô hình KCN sinh thái là một trong những giải pháp khả thi để thực hiện định hướng này. Đồng thời khẳng định: “Hiện nay phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái là một con đường tất yếu và là sự lựa chọn tối ưu cuả Việt Nam. Việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững”.
Ông Lê Thành Quân bày tỏ kỳ vọng Chương trình thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển KCN sinh thái của hai quốc gia và tham quan kháo sát thực địa tai một số KCN đang chuyển đổi sang KCN sinh thái tại Việt Nam sẽ diễn ra thành công tốt đẹp: “Chúng tôi mong muốn được trao đổi kinh nghiệm với các đại biểu Indonesia về những thành công, thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển các KCN sinh thái. Chúng tôi tin rằng hoạt động trao đổi này sẽ giúp cả hai quốc gia học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó xác định những cơ hội hợp tác song phương tiềm năng trong phát triển các KCN sinh thái giữa hai quốc gia”.
Các đại biểu lắng nghe chia sẻ, trao đổi thông tin của đại diện các cơ quan hai nước Việt Nam và Indonesia về những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi KCN sinh thái |
Phát triển các KCN, KKT tại Việt Nam và các chính sách phát triển KCN sinh thái
Thay mặt Ban Quản lý dự án KCN sinh thái, bà Vương thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án KCN sinh thái trình bày tổng quan về tình hình xây dựng và phát triển các KCN, KKT qua các giai đoạn phát triển và chính sách phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam.
Bà Vương thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án KCN sinh thái đánh giá tổng quan về tình hình phát triển KCN, KKT và chính sách phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam |
Theo đó, đến nay cả nước đã có 412 KCN đã thành lập (bao gồm 368 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,8 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4 ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 293 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha.
26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.
18 KKT được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển) bao gồm diện tích đất liền khoảng 569,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,68% tổng diện tích đất cả nước), trong đó khoảng 141,9 nghìn ha đã được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.
Các KCN, KKT đã và đang đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, cũng như trên cả nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Song thực tế hiện nay các KCN truyền thống của Việt Nam phần lớn chưa được đầu tư bài bản và đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa cộng đồng các KCN, đồng thời các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một KCN cũng không tận dụng được những lợi thế của nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Vì vậy để tăng sức cạnh tranh, giúp các KCN và các doanh nghiệp KCN đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững, việc phát triển KCN sinh thái đã trở thành một xu thế, nhiệm vụ tất yếu.
Ngày 28/05/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022 NĐ-CP “Quy định về Quản lý KCN, KKT. Nghị định đã định hướng xây dựng KKT, KCN, KCN- đô thị - dịch vụ, KCN sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các KCN ở nước ta hiện nay.
Giới thiệu về tình hình phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam thời gian qua, bà Hiếu cho biết, qua hai Dự án KCN sinh thái đã và đang triển khai thực hiện, Ban Quản lý dự án KCN sinh thái đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Dự án là các bộ, ngành liên quan; chính quyền địa phương, Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, với các KCN thí điểm lựa chọn là: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Khánh Phú (Ninh Bình).
Mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và nâng cao vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các ngành khác ở cấp quốc gia.
Về nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển KCN sinh thái, Dự án đã xây dựng các Nghị định quy định về KCN sinh thái như: Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (trước đây) và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP hiện nay; hỗ trợ xây dựng thông tư hướng dẫn về KCN sinh thái quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về KCN sinh thái; phân tích các bên liên quan trong phát triển KCN sinh thái; nghiên cứu, rà soát khung khổ chính sách phát triển KCN sinh thái…
Bà Hiếu đã trình bày cụ thể và chi tiết một số quy định liên quan đến chính sách phát triển KCN sinh thái được quy định trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP như: Khái niệm KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, lợi tích của KCN sinh thái, các chính sách phát triển KCN sinh thái…
Bà Hiếu cho biết, lợi ích của KCN sinh thái có liên quan đến 4 đối tượng chính, đó là: Các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái; cộng đồng địa phương; môi trường xung quanh KCN sinh thái; cấp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Ban Quản lý KCN sinh thái.
Dấu ấn triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam thời gian qua đã và đang được khẳng định qua việc triển khai thực hiện hiệu quả qua 2 dự án: Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (GEIPP VN) và Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”. Hai dự án này được triển khai thực hiện qua 2 giai đoạn 2014- 2019 và giai đoạn 2020-2024 tại 6 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Ninh Bình và Hải Phòng, cụ thể tại các KCN: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh, Khánh Phú và Đình Vũ (Deep C).
Bà Hiếu khẳng định: "Với sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các nhà tài trợ SECO, UNIDO, đặc biệt là tinh thần quyết tâm và nỗ lực cao của Ban Quản lý dự án KCN sinh thái, cho đến nay Dự án đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, môi trường và xã hội, đã lan toả và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển KCN sinh thái đến các các cơ quan quản lý nhà nước về KCN ở Trung ương và địa phương, cũng như các bộ, ngành, các KCN và doanh nghiệp trong các KCN".
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO trình bày những kết quả chủ yếu mà UNIDO đã hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chuyển đối phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO trình bày những kết quả chủ yếu mà UNIDO đã hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển đối KCN sinh thái tại Việt Nam |
Theo đó, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai thực hiện 2 dự án phát triển KCN sinh thái và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực về cả lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, cụ thể:
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (GEIPP VN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO triển khai thực hiện từ năm 2014 đến tháng 6/2019 với tổng vốn hỗ trợ không hoàn lại hơn 5 triệu USD của Quỹ Môi Trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO)
Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm (2014- 2019), thí điểm tại 4 KCN: Khành Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).
Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai và nhân rộng các công nghệ và các giải pháp sạch nhằm giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính, cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN thí điểm. Các doanh nghiệp trong các KCN tham Dự án được hỗ trợ cung cấp các thông tin về chuyển giao công nghệ mới nhất và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa đầu vào nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sử dụng tiết kiệm nước, cũng như đảm bảo an toàn về sử dụng hóa chất và quản lý nước thải.
Sau 5 năm triển khai Dự án, tại các KCN này đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; giúp tiết kiệm được hơn: 22.000Mwh điện, hơn 600.000m3 nước sạch, hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải; giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp trong KCN trong Dự án đã tiết kiệm tổng thể hơn 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD do SECO tài trợ, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2024 tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các KCN: Hiệp Phước, Amata - Biên Hoà, Đình Vũ (Deep C), Hoà Khánh và Trà Nóc 1&2.
Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Đến nay, đã có khoảng 295 (trên tổng số 612) giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn được đề xuất cho 37 doanh nghiệp (trên tổng số 68 doanh nghiệp) và 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp KCN, giữa KCN và đô thị tại các KCN Đình Vũ - Deep C (Hải Phòng), Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) và Amata (Đồng Nai). Kết quả đã đem lại lợi ích thiết thực cho các KCN này, giúp tiết kiệm điện 4.4 triệu KWh/năm, tiết kiệm nước 20,8 nghìn m3/năm; dự kiến giúp tiết kiệm 800 ngàn USD/năm và giảm phát thải 87 nghìn tấn CO2 tương đương/năm, góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực tại KCN và khu đô thị hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Về xây dựng bộ chỉ số về KCN sinh thái, Dự án đã đề xuất 23 chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN sinh thái (4 chỉ tiêu về quản lý KCN, 7 chỉ tiêu xã hội, 6 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu môi trường) 20 chỉ tiêu được khuyến nghị bắt buộc áp dụng và 3 chỉ tiêu tùy chọn.
Đồng thời xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản online cho các KCN tham gia Dự án và tích hợp các dữ liệu này vào cơ sở dữ liệu chung về KCN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng…
Đội ngũ chuyên gia của Dự án đang tích cực triển khai hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều KCN theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.
Thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án, mô hình KCN sinh thái và các cơ chế chính sách liên quan đã được lồng ghép vào nhiều văn bản pháp lý như: Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về KCN và KKT; Khoản 3, Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (khuyến khích thực hiện cộng sinh công nghiệp). Mặt khác, các nội dung về KCN sinh thái cũng được lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng như: Chiến lược quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược; Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…
Hiện nay việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái được áp dụng xuyên suốt theo Nghị định số 35 (8 tiêu chí về KCN sinh thái, trong đó có Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn) và chuyển đổi theo khung quốc tế về mô hình KCN sinh thái, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, môi trường và xã hội.
Chuyên viên đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu các đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo và các nội dung trong Chương trình Hội thảo |
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển KCN sinh thái
Phiên thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái giữa Indonesia và Việt Nam dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Lê Thành Quân và Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Indonesia Heru Kustanto đã diễn ra cởi mở và sôi nổi.
Ông Heru Kustanto, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Indonesia chia sẻ với Hội thảo về tình hình phát triển các KCN và thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái tại Indonesia |
Ông Heru Kustanto cũng đã chia sẻ với Hội thảo về tình hình phát triển các KCN và chuyển đổi KCN sinh thái tại Indonesia. Theo đó, hiện nay Indonesia có 112 KCN đang hoạt động và 3 KCN đang kết hợp với UNIDO, SECO thực hiện chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, qua đó thúc đẩy các KCN ven biển có nhiều cơ hội hợp tác phát triển KCN sinh thái và các hoạt động cộng sinh công nghiệp, góp phần quản lý tốt trên cả 3 trụ cột: Môi trường, kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái tại Indonesia cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song Indonesia đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh rủi ro trong hoạt động phát triển KCN sinh thái. Tại các KCN của Indonesia chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng (chiến 95%), nhà nước cho tư nhân thuê đất thời hạn quản lý là 80 năm.
Đại biểu đến từ Indonesia chia sẻ với Hội thảo những thách thức trong phát triển KCN sinh thái tại Indonesia |
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương Việt Nam đã chia sẻ với các đại biểu Indonesia về các chính sách áp dụng trong quản lý chất thải, nước thải, cộng sinh công nghiệp được quy định trong Nghị định số 35/NĐ-CP, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất công nghiệp…
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương (ngồi giữa) phát biểu tại Hội thảo |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư khẳng định tại Hội thảo, phát triển KCN sinh thái là một yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp FDI, vì họ luôn xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp xã hội. Do đó đòi hỏi cần phải có sự trao đổi giữa cơ quan của hai nước Việt Nam và Indonesia để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái. Tại Việt Nam, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển bền vững, minh chứng là việc ra đời các chính sách phát triển KCN sinh thái, trong đó Nghị định số 35/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT là một bước tiến lớn. Song quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam, trong đó rào cản lớn là việc quy hoạch các KCN và nguồn tài chính lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Tuấn, để động viên khích lệ các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp quan tâm chuyển đổi KCN sinh thái và thực hiện sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, thì việc cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái cần phải nhanh chóng tiến hành và chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương. Do đó các cơ quan của Việt Nam và Indonesia cần phối hợp xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với quy định của thế giới và trong nước để tôn vinh và lan toả các nhà đầu tư phát triển KCN sinh thái.
Đại biểu đến từ Indonesia chia sẻ với Hội thảo những thách thức trong phát triển KCN sinh thái tại Indonesia |
Đại diện phía Việt Nam và Indonesia đã có nhiều tương tác và trao đổi và chia sẻ về chính sách phát triển KCN sinh thái của hai nước; tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực phát triển KCN sinh thái; các khó khăn, vướng mắc của hai bên trong quá trình phát triển mô hình KCN sinh thái… Qua đó hai bên đã tìm ra những giải đáp thấu đáo về điểm tương đồng, cũng như khác nhau trong trong việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới tại hai nước.
Đại biểu đến từ Indonesia chia sẻ với Hội thảo công tác quản lý KCN tại Indonesia |
Các đại biểu đến từ các KCN của Indonesia cho biết, trong 112 KCN của Indonesia, và sắp tới sẽ có thêm 2 KCN nữa hiện có, có 42 KCN được đánh giá đạt chất lượng tốt. Về công tác quản lý KCN được chủ đầu tư KCN triển khai thực hiện chặt chẽ, luôn có một đội đặc biệt kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động môi trường và an ninh trật tự trong KCN, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng KCN. Các KCN được quy hoạch xa khu dân cư và các công trình xã hội để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song công tác quản lý chất thải nguy hại, nước thải trong các KCN cũng đang là vấn đề được quan tâm và chưa có giải pháp giải quyết triệt để....
Đại biểu đến từ Indonesia chia sẻ với Hội thảo những rào cản trong phát triển KCN sinh thái tại Indonesia |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Lê Thành Quân đánh giá cao những kết quả đã đạt được tại Hội thảo. Các đại biểu và khách mời hai phía Việt Nam và Indonesia đã rất nhiệt tình trao đổi, chia sẻ và cung cấp các thông tin hết sức hữu ích trong công tác quản lý nhà nước và phát triển KCN sinh thái, cũng như các chính sách có liên quan, qua đó giúp cho hai bên có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển KCN sinh thái. Sinh thái không chỉ đơn thuần là xanh, mà phải tạo ra được một hệ sinh thái, đảm cho cho con người có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Các doanh nghiệp muốn thúc đẩy thu hút đầu tư FDI, thì cần phải triển khai mô hình KCN sinh thái, xây dựng bộ chỉ số KCN sinh thái phù hợp để các doanh nghiệp có thể áp dụng triển khai. Doanh nghiệp hạ tầng cần phải tìm một tổng công trình sư để đảm bảo sơ đồ thiết kế KCN sinh thái tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan, giúp cho việc triển khai và vận hành KCN được đảm bảo hiệu quả.
Ông Lê Thành Quân đánh giá kết quả thành công của Hội thảo |
Chương trình: "Trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái giữa các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam và Indonesia) trong khuôn khổ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" diễn ra trong 3 ngày, từ 11-13/9/2023 tại TP. Hà Nội và TP. Hải Phòng, với nhiều hoạt động trao đổi, thảo luận về chính sách phát triển KCN sinh thái giữa hai cơ quan liên quan của Việt Nam và Indonesia; cùng trao đổi, chia sẻ thông tin với Ban Quản lý KKT Hải Phòng các nhà đầu tư hạ tầng KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền là hai KCN đang chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đặc biệt, Đoàn công tác của Indonesia sẽ được đi thực tế để chứng kiến những kết quả chuyển đổi thành công sang KCN sinh thái tại hai KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền, Hải Phòng./.
Ban Tổ chức Hội thảo và các đại biểu, khách mời đến từ Việt Nam và Indonesia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Bình luận