Vietnam Report Công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023
Trải qua 7 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn. Từ đó, Bảng xếp hạng PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023
Nguồn: Vietnam Report |
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023
Nguồn: Vietnam Report |
Dù chưa thể quay về mức cao như trước đại dịch Covid-19, song so với năm trước, ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 trong năm 2023 đã có sự cải thiện tương đối đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 13,7%, đồng thời là mức tăng mạnh nhất giữa 3 khu vực (+2,7% so với năm 2022), cho thấy sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và khả năng tạo lợi nhuận của khối doanh nghiệp này. Hai vị trí còn lại cũng không có sự xáo trộn và đều có sự gia tăng so với hai năm qua, khi doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp khu vực Nhà nước lần lượt ghi nhận tỷ lệ ROA bình quân ở mức 11,2% và 9,2%, tương ứng xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba.
ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 theo khu vực kinh tế
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500, thực hiện bởi Vietnam Report giai đoạn 2019-2023 |
Năm 2023 cũng chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý trong ROE bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500. Khu vực FDI và khu vực tư nhân thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hiệu suất tài chính và quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, khi lần lượt tăng 4,6% và 5,5% so với kết quả năm 2022. Qua đó, ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Mặt khác, dù có tỷ lệ ROE bình quân tăng từ 16,5% năm ngoái lên 17,2% trong năm nay, song sự cải thiện này của khu vực Nhà nước vẫn chưa rõ rệt và khá nhẹ so với hai khu vực còn lại, do đó có năm thứ hai liên tiếp đứng ở vị trí thứ ba.
Nhìn chung, bức tranh ROA và ROE bình quân của các doanh nghiệp thuộc bảng xếp hạng PROFIT500 đều có sự khởi sắc hơn so với năm 2022. Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn và xứng đáng được tôn vinh của các doanh nghiệp này trong việc tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu suất tài chính, qua đó tạo ra sự khác biệt đáng kể với phần còn lại của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh chung rất khó khăn của giai đoạn từ đầu năm đến nay./.
Bình luận