Vĩnh Phúc phấn đấu đến sau năm 2030 sẽ phát triển 27 KCN
Toàn cảnh KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc |
Quy hoạch luôn đi trước một bước
Ngay từ những ngày đầu thành lập KCN, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp quan trọng cho sự phát triển của hệ thống các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha. Đến nay, Tỉnh đã có 16 KCN được thành lập (quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.548,018 tỷ đồng và 212,53 triệu USD; tổng diện tích quy hoạch là 3.110,25 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.275,03 ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.757,2 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (bao gồm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ) là 1.287,03 ha, chiếm trên 70% diện tích đất công nghiệp quy hoạch đối với các KCN đã thành lập trên địa bàn Tỉnh.
Trong 16 KCN đã được thành lập có 9 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha).
Đến nay, hạ tầng các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà máy xử lý nước thải). Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp; các KCN còn lại đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thúc đẩy thu hút đầu tư.
Đối với 6 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021, bao gồm: KCN Sông Lô II (165,66 ha); KCN Tam Dương I - KV2 (156,76ha); KCN Sông Lô I (177,36 ha); KCN Nam Bình Xuyên (290,152 ha); KCN Thái Hòa -Liễn Sơn-Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1) 145,27 ha đang thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng KCN Phúc Yên đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Hiện tại KCN Phúc Yên đã có 2 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 16,4044 ha.
Vĩnh Phúc dự kiến phát triển 27 KCN với quỹ đất khoảng 6.200-7.000 ha
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển khoảng 23 KCN (thêm 4 KCN) và sau năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 KCN, nâng tổng số các KCN trên địa bàn Tỉnh là 27 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 6.200-7.000 ha. Vĩnh Phúc đang lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ tích hợp nội dung Quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước mắt, để hoàn thành toàn diện công tác quản lý quy hoạch trong năm 2022, 3 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý quy hoạch và xây dựng, với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu với UBND Tỉnh về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên theo Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập.
Ba là, phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bốn là, rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án.
Năm là, giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, để có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.
Sáu là, rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN; yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt.
Bảy là, tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng hoàn thiện Đề án tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trình UBND Tỉnh phê duyệt; đồng thời đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh./.
Bình luận