Vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: "Gỡ" ra sao?
Cảnh sát giao thông đang tiến hành xử phạt vi phạm hành chính
Nhiều vướng mắc
Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2015 có 9.445.474 vụ vi phạm hành chính bị phát hiện, đã ra 4.142.875 quyết định xử phạt với với tổng số tiền hơn 7.338 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính phổ biến là: lĩnh vực thương mại, như: kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, không niêm yết giá hàng hóa; trong lĩnh vực giao thông đường bộ là chiếm dụng hè phố làm nơi kinh doanh, trông, giữ xe đạp, xe máy, dừng đỗ sai quy định; trong hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà như thi công không có giấy phép, chiếm dụng diện tích sử dụng chung; trong an toàn thực phẩm là vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, kinh doanh thực phẩm không có giấy phép; vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trốn thuế…
Mặc dù nhiều hình thức vi phạm cần xử phạt hành chính như vậy, nhưng một số quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn mang tính định tính khiến khi áp dụng gặp khó khăn.
Ví dụ như: Áp dụng tình tiết tăng nặng với vi phạm hành chính “có quy mô lớn” (khoản 1, Điều 10); vụ việc “có nhiều tình tiết phức tạp”, vụ việc “đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 66). Bên cạnh đó, tại các điểm h, i, k thuộc khoản 1, Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật xử phạm vi phạm hành chính, cụ thể là trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự trùng lặp trong quy định về số lượng thuốc lá điếu nhập lậu và số tiền phạt, dẫn đến không biết áp dụng theo điểm nào.
Một vấn đề nữa bất cập trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là việc theo dõi lâm sàng để xác định người nghiện ma túy đối với đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 1, Điều 96 còn gặp khó khăn do thời gian theo dõi dài (từ 24 đến 72 giờ), trong khi chưa có văn bản quy định ngành y tế có quyền giữ người để theo dõi.
Ngoài ra, sau khi được cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ, trong thời gian đọc hồ sơ, một số trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bỏ trốn không có mặt tại địa phương dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn mà chưa có chế tài áp dụng.
Trong thực tế thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã gặp phải những vướng mắc trong văn bản pháp lý. Nhưng, đối với những quy định phù hợp thì cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đó là việc thiếu công chức chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa có cơ chế hỗ trợ về kinh phí, phương tiện làm việc, trang thiết bị cho công tác làm nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính nên phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn lực, chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, chưa xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu về vi phạm hành chính nên việc cập nhật kịp thời thông tin, thống kê về tình hình vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu tác nghiệp vào sổ thủ công… Việc thống kê, phân loại lĩnh vực, hành vi vi phạm, chủ thể xử phạt, đánh giá tình hình vi phạm hành chính, việc theo dõi thi hành các quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính… cũng gặp nhiều khó khăn.
“Gỡ” vướng, thế nào?
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đặc biệt là các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chưa rà soát, đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền, phải khẩn trương thực hiện và gửi kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 1/5/2016 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý sự trùng lặp, chồng chéo, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 1/7/2016 đối với Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ cho ý kiến tháng 7/2017; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, ban hành tháng 8/2016.
Đối với những vấn đề quy định chưa rõ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng ngay yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất kịp thời phương án sửa đổi, bổ sung các quy định tại các nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
Bình luận