Xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành động lực phát triển của tỉnh Lạng Sơn
Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn |
Xác định kinh tế cửa khẩu là tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Với nhiều giải pháp tích cực, kịp thời, cùng sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Tỉnh, hoạt động đầu tư kinh doanh tại KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nói riêng, các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh nói chung duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư khởi sắc, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Nhằm tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn và khu vực cửa khẩu trong Tỉnh, công tác cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành trong Tỉnh tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng tham mưu, xử lý công việc của các cấp, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin có chuyển biến mạnh mẽ, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Tỉnh được quan tâm đầu tư, nhằm đáp ứng cho việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, Tỉnh đã triển khai đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch và dịch vụ thông qua việc phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái. Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với KKT cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Thời gian gần đây, Tỉnh đã triển khai có hiệu quả dự án Hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh - Pò Chài. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Tỉnh, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho du khách, giúp giảm tính tự phát, tăng hiệu quả trong kinh doanh.
Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Pò Nhùng, tỉnh Lạng Sơn |
Từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có chiều hướng giảm mạnh, nước ta đã chính thức mở cửa du lịch tại tất cả các cửa khẩu; nhưng nước bạn Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch với chiến lược “Zero Covid”, thậm chí đóng cửa khẩu, dẫn tới khó khăn cho hoạt động giao thương trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh. Để kịp thời giải quyết những khó khăn đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn hàng ngày, nắm bắt các thay đổi về chính sách quản lý thương mại biên giới, kiểm soát dịch bệnh của phía Trung Quốc để kịp thời thông tin cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn Tỉnh; qua đó kịp thời giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện và hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn Tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Các cơ quan chức năng trong Tỉnh đã chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh từ phía Trung Quốc và các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đề ra các giải pháp kịp thời, linh hoạt, tạo thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn...
Công tác đối ngoại và tăng cường kết nối đầu tư tiếp tục được quan tâm chú trọng. Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày càng được tăng cường, góp phần củng cố, tạo thuận lợi cho việc đàm phán, thống nhất các biện pháp tiện lợi trong thông quan, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, giúp khôi phục và ổn định tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn |
Năm 2022, Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến chương trình gặp gỡ đầu Xuân 2022 và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 13 giữa 04 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Duy trì hoạt động đối ngoại cấp lãnh đạo địa phương hai Tỉnh - Khu, trong đó tập trung trao đổi thông tin, thống nhất giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, hợp tác quản lý biên giới, thúc đẩy các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu thông qua hội đàm, điện đàm trực tuyến.
Cùng với đó. Tỉnh đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức kinh tế của Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Lạng Sơn. Cũng trong năm 2022, Tỉnh đã tổ chức triển khai thành công Hội nghị kết nối Lạng Sơn với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc để tìm hiểu, khảo sát nhu cầu đầu tư, giao lưu, kết nối thiết lập quan hệ hợp tác thương mại kinh tế giữa hai bên.
Song song với các hoạt động trên, Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cửa khẩu; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách du lịch tại một số huyện có hoạt động du lịch cộng đồng phát triển trên địa bàn Tỉnh.
Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư
Trạm kiểm soát liên ngành tại cửa khẩu Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn |
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động của các doanh nghiệp/dự án đầu tư tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, UBND Tỉnh đã ban hành Phương án Thiết lập “vùng xanh” đảm bảo chống dịch Covid-19 phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu khu vực các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma; thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, việc thực hiện quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; ứng dụng nền tảng cửa khẩu số và triển khai xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh tiến tới hải quan số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn Tỉnh.
Quang cảnh lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn |
Chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra về tiến độ thực hiện các dự án đăng ký đầu tư trong địa bàn KKT cửa khẩu và các cửa khẩu; qua đó đã chỉ đạo tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư nhằm đôn đốc, có biện pháp xử lý hoặc đề nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật đối với các nhà đầu tư có dự án đăng ký đầu tư.
Với những cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành Lạng Sơn, hiện trên địa bàn Tỉnh vẫn duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 05/12 cặp cửa khẩu trọng điểm, chủ lực (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Tân thanh - Pò Chài; Chi Ma - Ái Điểm; Ga Đồng Đăng - Ga Bằng Tường; Cốc Nam – Lũng Nghịu). Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra cơ bản thuận lợi, hiện tại lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh trung bình đạt trên 850 lượt xe/ngày, cao điểm lên tới trên 1.000 lượt xe/ngày.
Năm 2022, Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, cụ thể: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá xuất khẩu nông sản của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của các địa phương khác; hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo các sở, ngành với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dược liệu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn...
Đặc biệt, Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022) quy mô 260 gian hàng, với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong nước và Trung Quốc; tạo cơ hội để mở rộng hợp tác thương mại và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới hai nước.
Xe chở hàng hóa làm thủ tục kiểm tra tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn |
Xây dựng KKT cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của Lạng Sơn
Trong mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Lạng Sơn năm 2023 được Tỉnh xác định, phát triển kinh tế cửa khẩu tiếp tục là một trong các nhiệm vụ quan trọng phải tăng cường đẩy mạnh, nhằm xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực của Lạng Sơn.
Tuy nhiên, Lạng Sơn cũng đang đứng trước nhiều khó khăn do chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc thường xuyên thay đổi theo hướng xuất nhập khẩu chất lượng cao; yêu cầu về đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.
Để vượt qua những khó khăn trên, Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần duy trì công tác nắm tình hình, dự báo tình huống phát sinh để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để tạo đòn đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh phát triển nhanh, mạnh và khởi sắc hơn nữa.
Nhà làm việc liên ngành cửa khẩu Bản Chắt, tỉnh Lạng Sơn |
Theo đó, Tỉnh đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung vào các hoạt động trọng tâm sau:
Thứ nhất, phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch và dịch vụ: Thông qua việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái.
Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với KKT cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Triển khai có hiệu quả dự án hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh - Pò Chài.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại: Tiếp tục thực hiện hiệu quả, toàn diện ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để vừa tạo thuận lợi cho phát triển KKT cửa khẩu, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh; duy trì chương trình Gặp gỡ đầu Xuân, Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp và thực hiện hiệu quả cơ chế trao đổi, hội đàm đã ký kết giữa hai bên để phối hợp thực hiện công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, đấu nối đường bộ qua biên giới, nâng cấp cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; thực hiện có hiệu quả “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới”; tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá, khai thác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hoá.
Kiểm tra hàng hóa tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn |
Triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và vận hành “Luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Khẩn trương thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, các thủ tục nâng cấp và chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi - Bình Nhi Quan, hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ hai bên phê chuẩn thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm và bổ sung vào Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tăng cường công tác hội đàm với phí bạn để sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ, lối mở.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế cửa khẩu: Tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của Tỉnh; rà soát các chính sách đã ban hành để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình và điều kiện của Tỉnh, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong KKT cửa khẩu . Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để quy hoạch, triển khai đầu tư theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu.
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn |
Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư… theo hướng đơn giản, hiện đại, có sự phối hợp và liên kết bằng công nghệ thông tin giữa cơ quan quản lý tương ứng của Việt Nam và Trung Quốc. Hoàn thiện Chương trình phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục rà soát triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tiếp tục triển khai ứng dụng mô hình quản lý Hải quan thông minh tiến tới Hải quan số đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan; hoàn thiện hệ thống Nền tảng cửa khẩu số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phương thức huy động vốn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); tăng cường tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài và đổi mới hình thức vận động tài trợ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thu hút, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu kinh tế cửa khẩu. Tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn nhằm phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu. Tăng cường kết hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch, nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, thu hút du khách, phát triển thương mại.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp để thúc đẩy tối đa hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh; chủ động xây dựng phương án đảm bảo phân luồng giao thông, phương tiện và thực hiện hoạt động thông quan trong thời kỳ cao điểm đầu năm 2023. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong triển khai Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu để tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong triển khai thực hiện Nền tảng cửa khẩu số.
Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian 02 năm (2022 - 2023); triển khai điều tiết phương tiện linh hoạt, đảm bảo giữa phòng, chống Covid-19 gắn với thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.
Kiểm tra hàng hóa tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Nà Nưa, tỉnh Lạng Sơn |
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cửa khẩu: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về thỏa thuận hợp tác, cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới, pháp luật xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật có liên quan. Đề xuất, trao đổi với thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc để bổ sung, sửa đổi một số nội dung Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19.
Đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, thu hút các nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, tuyển sinh, đào tạo, đẩy mạnh liên kết đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp, tăng cường thực hiện liên kết 3 bên “nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp".
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới: Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan và giữa các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu hai nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả./.
Xe chở hàng qua trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn |
Bình luận