Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông… Ảnh: VGP

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, diễn ra ngày 20/7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ với tư cách là Chủ tịch Hội đồng vùng đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh, hôm nay, công bố Quyết định số 826/QĐ-TTg, ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng và đặc biệt trực tiếp Thủ tướng Chính phủ tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng.

"Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đứng đầu Chính phủ đối với vùng Đồng bằng Sông Hồng, một trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước", Bộ trưởng chỉ rõ.

Hội đồng điều phối vùng: Góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương không thể giải quyết được

Mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án FDI quy mô lớn; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững, còn nhiều bất cập; quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại, vấn đề ách tắc giao thông; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối Trung ương tại Hà Nội chưa được khắc phục; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông…

Chính vì vậy, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần “xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng” nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong Vùng.

Quyết định số 826/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng đã đề ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Quyết định số 45 về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đã quy định 7 phương thức điều phối về: (1) Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; (2) Đầu tư phát triển; (3) Đào tạo và sử dụng lao động; (4) Xây dựng các cơ chế, chính sách; (5) Giải quyết vấn đề liên kết vùng; (6) Kế hoạch điều phối liên kết vùng; (7) Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thống nhất vì lợi ích chung của Vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

"Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được, đồng thời có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

...Là cơ hội để bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg, ngày 19/4/2022 về phê quyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ tuần hoàn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng nêu rõ

Vùng Đồng bằng Sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Trong đó, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

10 vấn đề cần lưu ý nghiên cứu để phát triển vùng Đông bằng sông Hồng

Để đạt được các mục tiêu chung cho vùng theo định hướng quy hoạch, từng bước hình thành một thể chế liên kết vùng mạnh, hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ Thường trực của Hội đồng vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý một số vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận.

Thứ nhất, thảo luận và cho ý kiến về một số định hướng quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn: (1) Tổ chức không gian phát triển Vùng gắn với 4 hành lang kinh tế - 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng - 2 tiểu vùng kinh tế; (2) Phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của Vùng; các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng Vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng như: các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…

Thứ hai, nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng; nghiên cứu đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của TP. Hà Nội hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao liên vùng và các trục giao thông chính của vùng gắn với hành lang kinh tế, nhằm khai thác tối đa không gian ngầm, mở rộng không gian phát triển, giải quyết các vấn đề của đô thị nén như ách tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường…

Thứ ba, tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn vùng gắn với xây dựng hệ thống kho bãi, logistics hiện đại. Xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; TP. Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế gắn với phát triển Khu thương mại tự do tại Hải Phòng; phát triển hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình gắn với các tuyến cao tốc, đường ven biển để hình thành các khu công nghiêp - đô thị hiện đại. Liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển để hợp tác phát triển, từng bước hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, thay vì cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.

Thứ tư, tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường nhất là rác thải, khi thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và các đô thị lớn. Thảo luận, định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; thu hút đầu tư, xã hội hóa nguồn lực để cải thiện phục hồi chất lượng môi trường tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Quy hoạch và có cơ chế, chính sách để di chuyển, xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học tại các địa phương lân cận để giảm tải áp lực đối với hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Thứ năm, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển tiểu vùng phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là việc tiếp cận nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư với định hướng phát triển tiểu vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, tập trung một số lĩnh vực như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo; phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu kinh tế ven biển; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.

Thứ sáu, tập trung phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Kết nối hiệu quả với Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được hình thành, gắn với xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng, các khu trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam. Hà Nội sẽ tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc nên cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Khu công nghệ cao gắn với các viện nghiên cứu, trường đại học của Thành phố để trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng. Nghiên cứu, xây dựng khu công nghệ cao tại Hà Nam theo lộ trình phù hợp, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.

Thứ bảy, nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với TP. Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó có 80 chính sách mới, đột phá cho Thành phố nhằm phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đầu não, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và y tế của Vùng. Đối với Vùng, đề nghị nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tập trung vào một số lĩnh vực: (1) Phát triển hạ tầng giao thông hiện đại (đường cao tốc, đường sắt đô thị), logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển; (2) Quản lý xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị thông minh và bảo vệ môi trường; (3) Đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; (4) Gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Thứ tám, thảo luận về các danh mục dự án quan trọng liên vùng để chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 và nguyên tắc, tiêu chí xác định dự án và cách thức bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Thứ chín, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vùng Đồng bằng sông Hồng có lợi thế đang là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và là cái nôi sản sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, giáo dục nghề nghiệp có uy tín tập trung tại TP. Hà Nội, nên cần có giải pháp đào tạo, phát huy đội ngũ nhân lực của Vùng.

Thứ mười, nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu vùng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các tỉnh, thành phố trực thuộc vùng, nhất là về lĩnh vực môi trường, quản lý đất đai, thu hút đầu tư, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác điều phối liên kết vùng hiệu quả, chính xác, kịp thời.

Khẩn trương thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

Để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng trong 6 tháng cuối năm 2023, trong đó phân công cho 10 bộ, ngành và các thành viên Hội đồng điều phối vùng với 21 nhiệm vụ và mỗi địa phương 3 nhiệm vụ, đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục cập nhật, bổ sung và tập trung tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương đã ban hành.

Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ rõ nhiệm vụ phải khẩn trương thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng và chủ động thành lập các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để giúp Hội đồng điều phối vùng và các thành viên Hội đồng vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực gắn với định hướng không gian phát triển để tích hợp trong Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp tỉnh của từng địa phương đang xây dựng; các địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiến độ trước ngày 31/12/2023.

Bộ trưởng lưu ý, các bộ, ngành trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy.

Các bộ, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.

"Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Các địa phương trong vùng cần xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển", Bộ trưởng chỉ rõ./.