Thành lập TP. Phú Quốc sẽ phát huy tiềm năng tăng trưởng

Nếu được thông qua, TP. Phú Quốc sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ 589,27 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện đảo Phú Quốc. Sau khi được thành lập, Phú Quốc có 2 phường (Dương Đông và An Thới) và 7 xã, gồm Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn và Thổ Châu.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc thành lập TP. Phú Quốc phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; quy hoạch chung đô thị Phú Quốc đến năm 2030.

“Việc thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã - hội của Phú Quốc bởi tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, có sức thu hút đầu tư mạnh mẽ từ trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa”, ông Tân nhấn mạnh.

Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước do nằm trên vùng biển Tây - Nam, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan và Malaysia; với chu vi bờ biển dài 150 km được mệnh danh là “Đảo Ngọc”, là “thiên đường du lịch”, là “hòn ngọc quý”. Để khai thác tiềm năng, lợi thế này, năm 2005 , Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020; năm 2010 điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã xác định mục tiêu từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực ASEAN.

Những vỏ trai được lấy từ biển, được trưng bày tại Cơ sở sản xuất ngọc trai Ngọc Hiền tại Phú Quốc

Theo số liệu của UBND tỉnh Kiên Giang, sau 15 năm triển khai quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, kinh tế của huyện Phú Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao và luôn duy trì ổn định. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 56.547 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2018; trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 22.849 tỷ đồng, chiếm 40,41%; thương mại - dịch vụ - du lịch đạt 29.350 tỷ đồng, chiếm hơn 51%; nông nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm 7,69%. Hiện tại, Phú Quốc đã thu hút được 320 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 ngàn tỷ đồng; trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng.

“Thành lập TP. Phú Quốc sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế và là động lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn giải quyết các vụ việc phát sinh trên biển”, ông Tân nhấn mạnh.

Kỳ vọng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế

Là đô thị phát triển thuộc hàng nhanh nhất cả nước trong suốt 15 năm qua, nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm chưa đến 8% giá trị sản xuất trên địa bàn, nhưng Phú Quốc vẫn được quản lý theo mô hình chính quyền nông thôn, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, cách quản lý hành chính như hiện nay đối với Phú Quốc đã trở thành "chiếc áo quá chật", kìm hãm cơ hội phát triển bứt phá của huyện đảo này.

“Khi Phú Quốc là huyện thì mô hình quản lý vẫn là chính quyền nông thôn không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, việc thành lập TP. Phú Quốc là cần thiết, nhằm thiết lập mô hình quản lý mới theo mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp. Mặt khác, với vị trí địa lý đặc biệt, việc thành lập TP. Phú Quốc có ý nghĩa quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền ở khu vực biên giới trên biển của nước ta, tạo nên vị thế phòng thủ vững chắc của Phú Quốc”, ông Tân cho biết.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Cơ quan chủ trình thẩm tra Tờ trình về việc thành lập TP. Phú Quốc - nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, huyện đảo Phú Quốc không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh mà còn là khu vực có “thiên thời, địa lợi” để phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ. Bởi từ lâu huyện đảo này đã được khách du lịch trong và ngoài nước mệnh danh là “Đảo Ngọc”, “thiên đường du lịch”, “hòn ngọc quý” nhờ sở hữu bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, khí hậu thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch (năm 2019, Phú Quốc đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 450.000 lượt khách so với năm 2018). Những lợi thế này đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, tạo sự thay đổi diện mạo rõ rệt cho Phú Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, sự phát triển này cũng đặt ra những vấn đề xã hội cấp thiết cần phải giải quyết cho chính quyền huyện đảo Phú Quốc. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phú Quốc nhằm thiết lập mô hình quản lý của chính quyền đô thị cho phù hợp, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nhiều hình thái kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng đã và đang được phát triển tại Phú Quốc

“Mặc dù huyện đảo Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II từ năm 2014, hoạt động du lịch, kinh tế cũng có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đến nay tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa trên địa bàn vẫn chưa cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, tỉnh Kiên Giang cần có phương án đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Phú Quốc sau khi được thành lập để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn”, ông Tùng lưu ý.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hy vọng, trong thời gian tới, Phú Quốc trở thành đô thị du lịch biển đảo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực, quốc tế; là khu vực kinh tế năng động, hiệu quả với các dịch vụ, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, triển lãm - hội nghị quốc tế lớn, hiện đại của cả nước, trong khu vực và quốc tế sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư những dự án tầm cỡ như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Casino Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay... tiếp tục tạo đà cho “Đảo Ngọc” cất cánh./.