Xét tuyển nguyện vọng 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh đi đâu?
Nhiều đại học chưa đủ chỉ tiêu
Đợt xét tuyển nguyện vọng 2 kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa kết thúc được đánh giá là khá ảm đạm thí sinh đăng ký. Không ít trường đại học công lập vẫn còn thiếu chỉ tiêu.
Điển hình như, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã nhận được khoảng 2.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển, vẫn còn ngành kỹ thuật mỏ và các ngành đào tạo ở cơ sở Quảng Ninh thiếu chỉ tiêu; Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhận 2.200 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu còn thiếu là 2.000, lãnh đạo Học viện cho biết, trong trường hợp thiếu nhiều quá thì có thể trường phải tiếp tục xét tuyển.
Một trong những trường nhận được ít hồ sơ nhất so với số lượng chỉ tiêu còn thiếu hiện nay là Trường Đại học Lâm nghiệp. Cơ sở đào tạo phía bắc của Trường hiện còn thiếu 1.500 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ mới nhận được khoảng gần 700.
Tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh không khí xét tuyển cũng rất ảm đạm. Ở đợt 2 trường thông báo tuyển 71 chỉ tiêu các ngành theo tổ hợp khối H, V và 48 chỉ tiêu khối A (cho cơ sở đào tạo tại Cần Thơ và Đà Lạt). Tuy nhiên, đến nay Trường chỉ nhận được trên 100 hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp khối A. Đáng lưu ý, tính chung cả 2 cơ sở trên thì số thí sinh nộp hồ sơ theo 2 tổ hợp xét tuyển khối H và V mới chỉ có 4 bộ.
Tình trạng thiếu thí sinh đăng ký còn trầm trọng hơn tại các trường ngoài công lập. Thậm chí nhiều ngành học của một số trường dân lập không thể mở vì thiếu sinh viên.
Tại trường dân lập Phương Đông Hà Nội, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, trường mới chỉ có hơn 450 hồ sơ trên tổng số 1.200 chỉ tiêu xét tuyển. Trường đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội cũng mới nhận được khoảng 700 chỉ tiêu trên tổng số 1.200 chỉ tiêu. Con số này tại trường đại học dân lập Đông Đô Hà Nội là 800 trên 1.500 chỉ tiêu...
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhận được hơn 1.200 hồ sơ, số lượng này chưa đủ so với chỉ tiêu. Vì vậy, trường xét tuyển tiếp 555 chỉ tiêu bậc đai học và 450 bậc cao đẳng theo 2 phương thức cho các ngành: mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, giáo dục thể chất, kinh tế, du lịch, khoa học xã hội, kỹ thuật, xây dựng, khoa học môi trường, điện tử - viễn thông, điều dưỡng, xét nghiệm y học…
Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định mới nhận được khoảng trên 50% hồ sơ so với 900 chỉ tiêu. Trường thông báo xét tuyển thêm khoảng 400 chỉ tiêu với mức điểm xét bằng sàn.
Không khí nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 ở các trường khá ảm đạm
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, cả nước có 38 trường không xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hầu hết thí sinh có điểm cao đã an phận ở các trường top trên và top giữa. Số điểm cao vừa phải, bị trượt nguyện vọng 1 có thể đang chờ xét vào hệ Cao đẳng của trường mà thí sinh đó đã nộp hồ sơ hoặc chờ sang năm để có cơ hội xét tuyển vào các ngành, nghề ưa thích.
Bên cạnh đó, một số thí sinh khác còn đang phân vân trong việc chọn trường chọn ngành nên chưa vội nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nên đã dẫn đến tình cảnh ảm đạm thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vừa qua.
Các trường cao đẳng “dài cổ” chờ thí sinh đăng ký
Tại trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày Trường chỉ nhận được khoảng 30 hồ sơ, bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Vì thế, mặc dù đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Trường chỉ mới chắc chắn tuyển được 400 em, bằng 1/4 so với kế hoạch đề ra.
Chung cảnh ngộ, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn hiện mới tuyển được hơn 100 thí sinh trong tổng chỉ tiêu bậc cao đẳng là 1.500.
Ở nhiều trường cao đẳng khác, tình hình tuyển sinh cũng hết sức khó khăn khi kết quả tuyển sinh nguyện vọng 1 chưa đạt tới 50% chỉ tiêu và lượng hồ sơ xét tuyển nguyên vọng bổ sung quá ít ỏi.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu thí sinh đăng ký vào các trường cao đẳng là do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học duyệt đề án tuyển sinh riêng với việc xét học bạ THPT. Điều này tạo ra thực trạng ngay cả thí sinh có kết quả thi dưới 12 điểm vẫn có thể trúng tuyển đại học bằng cách xét học bạ, mà đã xét học bạ thì hầu như thí sinh nào cũng trúng tuyển bởi điểm trong học bạ thường cao chót vót.
Bên cạnh đó, năm nay có đến 5 đợt xét tuyển nên nhiều thí sinh vẫn cố gắng nộp hồ sơ vào các trường đại học, chỉ khi không còn cơ hội mới nghĩ đến việc nộp hồ sơ vào trường cao đẳng hay trung cấp. Và việc phải chờ thí sinh cho đến đợt xét tuyển cuối cùng là 20/11 để đủ chỉ tiêu sẽ khiến các trường gặp khó trong công tác đào tạo.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi kết thúc đợt 2, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh thêm các đợt nguyện vọng bổ sung sau. Thí sinh đã trúng tuyển, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3 từ ngày 11/9 đến hết ngày 21/9. |
Bình luận