Xúc động cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng” là chương trình nghệ thuật đặc biệt được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội, Đài Tưởng niệm Khâm Thiên và Trận địa tên lửa Chèm. Xuyên suốt chương trình, thông qua hiệu ứng của ánh sáng, các tiết mục nghệ thuật và đặc biệt là trò chuyện với các nhân vật là nhân chứng lịch sử từng tham gia trực tiếp chiến đấu, khán giả như được sống lại 12 ngày đêm hào hùng tháng 12 năm 1972 của quân và dân Thủ đô. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn.
Tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội |
Bắt đầu từ đêm 18/12/1972, những chiếc “Siêu pháo đài bay B52” mang cái chết đến từ trên không rầm rộ tiến vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng. Trong thời khắc lịch sử ấy, cũng như một đêm tháng Chạp 26 năm về trước, cả Hà Nội lại khắc sâu thêm lời hịch cứu nước của Bác: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thủ đô hiên ngang bước vào trận đánh quyết định sống còn bằng chính tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì Hà Nội mãi xứng đáng là “Niềm tin và hy vọng” của cả nước.
Suốt 12 ngày đêm, Hà Nội hiên ngang đối đầu với B52 bảo vệ phẩm giá của mình và cũng là bảo vệ tự do, danh dự của nhân loại. Ý chí sắt thép của quân và dân Hà Nội đã hóa thân vào “rồng lửa Thăng Long”, “vít cổ” những “siêu pháo đài bay” của giặc Mỹ. Trong chương trình, khán giả đã được lắng nghe câu chuyện từ người chỉ huy cao nhất của Tiểu đoàn 77 cách đây đúng nửa thế kỷ, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn.
Ông đã kể về việc bắn hạ 4 chiếc B52, nhiều nhất trong số các đơn vị tên lửa tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô ngày ấy với cách đánh B52 độc đáo “vượt nửa góc”. Nếu so với lối đánh được huấn luyện rất kỹ từ trước-“bắn ba điểm” thì đánh “vượt nửa góc”- nguy hiểm nhưng hiệu quả. Chỉ cần ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, các trắc thủ không thao tác nhanh gọn, dứt điểm, đặc biệt là toàn đội không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thì máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa ngay tức thì.
Với tinh thần “dám đánh”, “quyết đánh”, “quyết thắng”, trong 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 77 đã đánh 18 trận, trong đó 14 trận bắt mục tiêu; 10 trận hoàn toàn đưa khí tài vào tự động nên xác suất đạt 98%; làm nên “Trận địa Chèm huyền thoại”.
MC Bảo Anh tại điểm cầu Đài Tưởng niệm Khâm Thiên
|
Hiên ngang, anh dũng là thế nhưng trong bom rơi, đạn lửa, người Hà Nội vẫn đầy khí chất hào hoa. Tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội, nhà báo Ngô Thanh - tác giả kịch bản, đạo diễn chương trình đã xen kẽ các tiết mục nghệ thuật với các ca khúc: "Hà Nội – Niềm tin và hy vọng" (Sáng tác: Phan Nhân), "Hà Nội những đêm không ngủ" (Sáng tác: Phạm Tuyên), với điểm nhấn là câu chuyện về sự ra đời của những ca khúc này.
Trong hoàn cảnh ấy, những thi sĩ, những văn nhân hay bất cứ người dân nào của Hà Nội vẫn giữ vững tinh thần thép và lạc quan hiếm thấy!
Theo GS, TS. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có thể nói, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không chính là bản hùng ca chiến thắng |
Phần cuối chương trình, GS, TS. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định: Có thể nói, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không chính là bản hùng ca chiến thắng, một kỳ tích của sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Riêng với Thủ đô, chiến thắng này trở thành biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là bản anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, để giờ đây, mỗi chúng ta thêm tự hào về một Hà Nội rạng ngời, "Linh thiêng, hào hoa” suốt cả ngàn năm, là “niềm tin” của hiện tại và cũng chính là “hy vọng” của tương lai”./.
Bình luận