Y tế tư nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5,4%
Đây là thông tin được ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa TW Hùng Vương (Phú Thọ) đưa ra tại Tọa đàm “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách”, ngày 30/11/2017.
Chưa phát triển ngang bằng với nhu cầu của xã hội!
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa TW Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế chính sách cho y tế tư nhân phát triển, nhưng khối kinh tế này vẫn chưa thực sự phát triển như kỳ vọng.
“Ở các nước Mỹ La Tinh, y tế tư nhân chiếm 20%–30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)... Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân rất thấp, chiếm 5,4%. Ở Phú Thọ có bệnh viện tư nhân duy nhất, Tuyên Quang không có bệnh viện tư nhân nào”, ông Học nêu thông tin.
“Một bức tranh như vậy cho thấy, y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng chứng minh rằng, y tế tư nhân của Việt Nam chưa phát triển ngang bằng với nhu cầu của xã hội”, ông Học cho biết.
Tỷ lệ y tế tư nhân của Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực và thế giới |
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Vũ Xuân Bằng, Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân tại Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều so với các cơ sở y tế công, nhất là vốn.
“Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu, như: bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…, thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu”, ông Bằng nêu thông tin.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân nêu một nguyên nhân khác, đó là hiện nay vẫn chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế nhà nước.
Bà Hiền ví dụ: “về đào tạo và chính sách của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, có những chương trình đào tạo lại, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của nhà nước, nhưng chỉ có cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm”.
Về sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thực tế nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các bệnh viện tư nhân, nhưng cơ chế để bệnh viện tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của nhà nước.
“Về chủ trương phối hợp mô hình hợp tác công tư theo Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Tuy nhiên, chủ trương này gây ra nhiều bất cập, dẫn đến sự mất công bằng trong đầu tư, không rõ ràng giữa công và tư”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Viết Phượng, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng, Thanh Hóa cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế muốn đánh giá năng lực chuyên môn mới xây dựng định mức tối thiểu của bác sĩ là một ngày phải khám bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng lại áp dụng cả cho bệnh viện tư nhân. Như vậy là hạn chế năng lực chuyên môn của người lao động, mà không chỉ của một cá nhân mà của cả một hệ thống.
Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, nếu soi vào các văn bản, quy định, mà cụ thể là hợp đồng khám chữa bệnh giữa cơ sở y tế và bảo hiểm y tế, có thể thấy rõ, hợp đồng của Bảo hiểm Xã hội ký với bệnh viện công được phân bổ đầy đủ theo Thông tư 41 của Bộ Tài chính, thế nhưng hợp đồng của Bảo hiểm Xã hội ký với một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (phụ lục 04) đã được sửa đổi rất nhiều.
Cụ thể, với bệnh viện công, hợp đồng ghi rõ chỉ chấm dứt hợp đồng khi không đáp ứng được nhu cầu, phải báo trước 3 tháng, buộc đảm bảo cho những người tham gia khám chữa bệnh ở nơi đó được chuyển đi nơi khác.
Còn đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, một số hợp đồng đã dừng không cho khám chữa bệnh, sau đó còn tận dụng phương tiện truyền thông của xã, phường để thông báo Bảo hiểm Xã hội đã dừng hợp đồng với cơ sở y tế tư nhân này, yêu cầu người khám chữa bệnh chuyển bảo hiểm sang cơ sở y tế khác.
“Cách làm này đã giết chết các cơ sở y tế tư nhân”, luật sư Truyền nhấn mạnh.
Cần được “cởi trói”!
Để đảm bảo quyền lợi cho các cơ sở y tế tư nhân, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, các cơ sở y tế phải xác định rõ đâu là hợp đồng mẫu. Việc tuân thủ hợp đồng mẫu là điều kiện tiên quyết và đã là hợp đồng mẫu thì không có sự phân biệt giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân. Khi thực hiện sai, y tế tư nhân có quyền khởi kiện.
“Khi Bảo hiểm Xã hội cố tình sửa đổi áp đặt các điều khoản so với hợp đồng mẫu, thì bản thân bảo hiểm đã có những lỗi vi phạm rất rõ ràng. Các cơ sở y tế tư nhân có quyền khởi kiện lỗi vi phạm này”, luật sư Truyền cho biết.
Đối với việc xếp hạng và phân tuyến bệnh viện, ông Hoàng Mạnh Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân kiến nghị là cần có thông tin cụ thể đến các cơ sở y tế tư nhân.
Bên cạnh đó, để tạo bình đẳng với các thành phần kinh tế, ông Thế cho rằng, bệnh viện công cũng cần phải nộp thuế đất như bệnh viện tư.
“Không nên viện cớ bệnh viện công làm nhiệm vụ chính trị, nên không phải nộp thuế đất, bởi bệnh viện tư cũng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ với cộng đồng giống như bệnh viện công”, Thế nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, để phát triển y tế tư nhân thì cần có sự đồng bộ về chính sách. Chính sách ban hành có thể chưa đúng, nếu các bộ ngành bàn bạc với tính chất cởi mở và xây dựng, thì có thể tiến tới sự đồng thuận về các quy định pháp luật, từ đó có những chỉnh sửa căn cứ vào nhu cầu của ngừời dân, tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển.
Bên cạnh đó, ông Đệ cũng kiến nghị, giữa Bảo hiểm Xã hội, Bộ Y tế, Hiệp hội cần ngồi lại với nhau, bàn bạc cách thực hiện khi chính sách ban hành, để chính sách thực sự hiệu quả.
“Việc giám định bảo hiểm xã hội Việt Nam gây khó khăn cho y tế tư nhân cũng vì chính sách chưa được phổ biến cụ thể và chính xác...”, ông Đệ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Đệ cũng cho rằng, công tác thanh kiểm tra cũng cần khách quan và chính xác đầy đủ giữa các bên mới đưa thông tin tới truyền thông.
Chia sẻ thực tế qua quá trình đi kiểm tra, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót là do chưa nắm chắc về chính sách, về Luật y tế, Luật Khám chữa bệnh.
Vì thế, ông Bằng cũng đưa ra lời khuyên rằng, các cơ sở y tế tư nhân cần phải bám sát văn bản để làm và trong quá trình thực hiện nếu vướng thì có thể đề đạt lên Hiệp hội và Hiệp hội có thể trao đổi lại cơ quan cao hơn để có những giải đáp phù hợp./.
Bình luận