Đó là một trong những mục tiêu được nêu bật tại dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo được các chuyên gia góp ý tại Hội thảo tham vấn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức chiều 30/8. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đồng chủ trì Hội thảo.

Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đồng chủ trì Hội thảo

2 trung tâm động lực tăng trưởng, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết động lực, 16 ý tưởng đột phá

Nằm ở khu vực trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc và ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, Yên Bái có vị trí là trung tâm của các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh xếp thứ 8 về quy mô diện tích so 14 tỉnh trong Vùng.

Yên Bái có hệ thống giao thông đa dạng, gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, là yếu tố quan trọng để Tỉnh giữ vị trí trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thuận lợi trong giao lưu thương mại, hợp tác kinh tế, phát triển văn hóa-xã hội trong Vùng.

Hệ thống giao thông của Tỉnh với các tuyến quan trọng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các tuyến quốc lộ, như 32, 32C, 37, 70, 2D; tuyến đường thủy nội địa trên sông Hồng và tuyến đường thủy trên vùng hồ Thác Bà, sông Chảy.

Mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế của Tỉnh giai đoạn 2021-2030

- Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 7,51%; sau đó tốc độ tăng trưởng GDP được nâng lên, đạt bình quân 9,5%/năm giai đoạn 2026-2030. Tính chung thời kỳ 2021-2030, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trên 125 triệu đồng.

- Về cơ cấu kinh tế: Năm 2025, tỷ trọng nông – lâm – thuỷ sản trong GRDP là 19,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm 33,3%; dịch vụ chiếm 42,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,7%. Năm 2030, tỷ trọng đóng góp của các ngành này vào GRDP lần lượt là 14,8%; 39,0%; 41,5% và 4,7%.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng (năm 2025) và trên 20.000 tỷ đồng (năm 2030).

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thời kỳ 2021-2030 đạt 280.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 27% (năm 2025); 30% (năm 2030).

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7,26%/năm.

Với vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc, Yên Bái nằm cách không xa các trọng điểm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và nằm trên trung điểm của tuyến hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ rõ, quy hoạch là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của Tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ông Đỗ Đức Duy khẳng định, Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đảm bảo không mâu thuẫn với các chỉ tiêu về tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu này, ông Duy cho biết, Tỉnh đã có kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc theo từng năm; khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Yên Bái xác định trụ cột tăng trưởng là Tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn và hệ sinh thái đa dạng; tâp trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển du lịch theo hướng khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng. Yên Bái sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp gắn với không gian phát triển chung của Tỉnh.

Theo Dự thảo Quy hoạch, mục tiêu phát triển được đặt ra đến năm 2025, tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2030, tỉnh Yên Bái nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, Yên Bái là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá của cả nước, đạt được mục tiêu phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển, trong đó, tỉnh Yên Bái lựa chọn kịch bản phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, giai đoạn 2026-2030 là 9,5%/năm.

Để đạt được kịch bản phát triển này, Dự thảo Quy hoạch đưa ra các khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Yên Bái gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng (TP. Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận); 3 vùng kinh tế (trung tâm, phía Tây, phía Đông); 4 trụ cột tăng trưởng; 6 trục liên kết động lực; 16 ý tưởng đột phá.

Trong đó, công nghiệp tập trung vào phương thức sản xuất bền vững, có giá trị cao hơn trong chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng; du lịch với trải nghiệm phong phú về văn hóa và các dịch vụ gắn với cảnh quan thiên nhiên, di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia; kinh tế dịch vụ được hỗ trợ bởi các trụ cột du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo; nông nghiệp hữu cơ và chất lượng cao được hỗ trợ bởi các phương pháp canh tác hiện đại, công nghệ và đầu vào cao cấp.

Để hiện thực hóa Quy hoạch, tỉnh Yên Bái dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển cho kỳ quy hoạch là 275 nghìn tỷ đồng. Tập trung ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, khu/cụm công nghiệp và 4 cụm ngành quan trọng - trụ cột tăng trưởng.

Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, môi trường và khoa học công nghệ, quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn... Đặc biệt, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra cơ chế, chính sách liên kết phát triển có sự phối hợp với các tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Hà Nội...

Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đảm bảo không mâu thuẫn với các chỉ tiêu về tăng trưởng

Cần sát hơn trong đánh giá, so sánh vai trò, vị thế của Tỉnh với vùng và quốc gia

Góp ý cho Dự thảo, các chuyên gia đồng thuận rằng, cấu trúc báo cáo Quy hoạch Tỉnh cơ bản đã thể hiện được đầy đủ nội dung theo yêu cầu, nhiệm vụ cần phải có của một bản quy hoạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề nghị chỉnh sửa tên, thứ tự, dung lượng nội dung một số đề mục cho phù hợp; cần đánh giá thật rõ ràng khung phân tích; tăng cường các số liệu đáp ứng yêu cầu đánh giá, nhất là đánh giá hiện trạng, số liệu theo chuỗi thời gian để thể hiện được tính động của diễn biến kinh tế.

Cùng với đó là làm sâu hơn phần đánh giá thực trạng, thêm thông tin để rút ra các điểm mạnh, điểm yếu một cách khoa học và có căn cứ thực tiễn, sát hợp với kinh tế Yên Bái hiện nay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo Quy hoạch cần bổ sung thêm phân tích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng (thành thị, nông thôn, các vùng kinh tế trong Tỉnh). Cần sát hơn trong đánh giá, so sánh vai trò, vị thế của Tỉnh với vùng và quốc gia, trong đó có lý giải về vị trí, vai trò, sự đóng góp của Tỉnh trong không gian phát triển trong vùng và cả nước, nhất là về kết nối hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển các ngành, lĩnh vực theo không gian…

Dự thảo Quy hoạch cũng cần phân tích ảnh hưởng hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đi qua Yên Bái; Tỉnh cần mở rộng không gian phát triển gắn với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và phát huy được lợi thế khi có đường cao tốc; quan tâm phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống…

Đặc biệt, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan dự thảo, cơ quan tư vấn cần đối chiếu với Luật Quy hoạch, lựa chọn các vấn đề đưa vào quy hoạch, những gì luật không quy định, thì chúng ta đưa ra ngoài.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung phân tích, đánh giá so sánh về lợi thế, tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, đánh giá sự kết hợp, liên kết hợp tác kinh tế hiện tại và khả năng mở rộng trong tương lai. Cần phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng của cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp trong GRDP; trong khi cơ cấu lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, thì trong tương lai đây là trụ cột tăng trưởng chính của Tỉnh.

Đặc biệt, TS. Cao Viết Sinh lưu ý, cần phân tích sâu sắc vấn đề chênh lệch giàu nghèo cao, bởi hiện nay, trong khi các tỉnh lân cận chênh lệch khoảng 7-8 lần, thì Yên Bái chênh lệch gần 10 lần.

"Như vậy, bất bình đẳng rất lớn. Trong khi, Yên Bái đặt ra mục tiêu hài hòa, chỉ số hạnh phúc, thì rất khó đạt được", ông Sinh chỉ rõ.

Về điểm nghẽn, vị chuyên gia này cho rằng, điểm nghẽn rõ nhất là xuất phát điểm thấp, lại không hấp dẫn về môi trường đầu tư. Vấn đề này cần được nghiên cứu và phân tích rõ trong Quy hoạch.

Cho rằng, nông nghiệp – nông thôn – nông dân Yên Bái hiện tại và tương lai có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; môi trường; an ninh - quốc phòng của Tỉnh, ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề nghị, trong Báo cáo Quy hoạch Tỉnh phải có một chương về định hướng phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

"Theo tôi, nông nghiệp Yên Bái cần phát triển đồng thời nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp sinh thái trong quy hoạch nông nghiệp, tỉnh Yên Bái cần xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái của Tỉnh: vùng chuyên canh cây lương thực; vùng chuyên canh cây thực phẩm; vùng chuyên canh cây ăn quả; vùng chuyên canh cây công nghiệp; vùng chuyên canh cây đặc sản, cây làm thuốc; vùng chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm; vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô hợp lý gắn với công nghiệp bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ.", ông Chinh góp ý.

Đối với các ý kiến góp ý vào Dự thảo Quy hoạch Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, sẽ tiếp thu để chỉnh sửa cho phù hợp, tập trung vào các nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, bổ sung và chuẩn hóa về số liệu; đặc biệt, sẽ tập trung đánh giá đúng các điểm nghẽn để đề xuất các giải pháp cho phù hợp.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp thu đầy đủ các ý kiến làm cơ sở để chỉnh sửa, hoàn thiện Quy hoạch Tỉnh, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị kỹ và đầy đủ thành phần hồ sơ, hoàn thiện Quy hoạch trên cơ sở tổng hợp góp ý của các chuyên gia; tập trung làm rõ phương pháp lập quy hoạch, nguồn lực, bối cảnh; xác định rõ vai trò, vị thế của Tỉnh trong vùng và có các giải pháp phù hợp; bám sát chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu Quy hoạch theo quy định của pháp luật./.