Yên Bái: Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Với quan điểm, chủ trương đúng đắn, kinh tế tỉnh Yên Bái đã đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong những năm qua đạt trên 6%/năm. GRDP bình quân đầu người từ 37,1 triệu đồng năm 2019 tăng lên 47,5 triệu đồng năm 2022 và 50,8 triệu đồng năm 2023.

Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và ngày càng rõ nét hơn. Đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của Tỉnh đã chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% cơ cấu kinh tế. Tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như: vùng quế 82.000 ha, vùng chè 8.000 ha, sơn tra 9.300 ha, măng tre Bát Độ 5.800 ha, gỗ rừng trồng nguyên liệu 90.000 ha... Triển khai các chương trình kích cầu nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng trong năm 2023 đã đón trên 2 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch gấp 3,5 lần so với năm 2021.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi. Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 65,99 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của Tỉnh có sự cải thiện theo thời gian; chi phí không chính thức đã giảm mạnh so với thời gian trước; gia nhập thị trường thuận lợi hơn; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động đã có những chuyển biến tích cực… Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Tỉnh tiếp tục có sự tiến bộ, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Năm 2023, Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông, khu, cụm công nghiệp, được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Duy trì phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình “Cà phê doanh nhân”, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 152 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 24.320 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2024, tỉnh Yên Bái cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện sinh khối Yên Bái 1 tại Cụm Công nghiệp Bắc Văn Yên, với tổng vốn đầu tư 118 triệu USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng Việt Nam về mức 0 vào năm 2050.

Yên Bái: Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn (bên phải, hàng trên) và ông Mun Hyun, Chủ tịch Quỹ Phát triển hạnh phúc (Hàn Quốc) bắt tay chúc mừng ký kết thành công thỏa thuận hợp tác tại Hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư tỉnh Yên Bái với các doanh nghiệp Hàn Quốc 2023

Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được đựợc Tỉnh biệt quan tâm; quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố; hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả tích cực. Phát triển văn hóa - xã hội được gắn với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Giai đoạn 2021-2023, toàn Tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho 67.370 lao động. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO vinh danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từng bước đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các hạng mục trọng điểm thuộc dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông tỉnh Yên Bái” như: Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC), Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC), Nền tảng liên thông tích hợp (LGSP). Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh đạt 100%.

Yên Bái: Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng cho lãnh đạo và nghệ nhân các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

Phát triển bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

Đối với Yên Bái, những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2021-2023 chính là cơ sở quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, Tỉnh đã và đang tập trung vào một số định hướng lớn như:

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển toàn diện, bền vững.

Hai là, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Ba là, cơ cấu lại ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chủ lực là công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến nông lâm sản, thu hút các dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường sinh thái, sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Bốn là, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn…góp phần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp.

Năm là, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Sáu là, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; phát triển kinh tế xanh, toàn diện, bền vững, thân thiện với môi trường.

Bảy là, thực hiện kết nối vùng, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; kết nối giao lưu, hợp tác phát triển giữa khu vực Tây Bắc với khu vực Đông Bắc của vùng. Trọng tâm là liên kết hợp tác phát triển thương mại, dịch vụ liên vùng, quốc tế qua tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hợp tác phát triển trong sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch... Phấn đấu đến năm 2030, Yên Bái trở thành một trong những trung tâm giao lưu, liên kết kinh tế của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.