Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam(VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 10 đạt 604 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm gần 33%, cá tra giảm gần 30%, cá ngừ giảm 11% và mực, bạch tuộc giảm 28%.

Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%; cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%; cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%; mực bạch tuộc giảm 13% đạt 345 triệu USD. Chỉ có các mặt hàng cá biển khác tăng gần 4% đạt 863 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh (từ 6- 26%), trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 15%.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang 2 thị trường ASEAN và Đài Loan (Trung Quốc) tăng lần lượt 9,4% và 29%, có thể do sự chuyển hướng của doanh nghiệp thủy sản khi các thị trường lớn khó tiêu thụ.

VASEP cho biết, nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm là do thị trường tiêu thụ kém và biến động tỷ giá tiền tệ làm cho thủy sản Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá trên thị trường thế giới suốt từ đầu năm đến nay.

Các nhà nhập khẩu tìm cách ép giá, các nước đối thủ đẩy mạnh xuất khẩu khiến cho xuất khẩu cá tra vốn trong tình trạng kém sôi động từ 2 năm nay, lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10 và POR11 với mức thuế cao, nên không còn cơ hội để tăng trưởng trở lại.

Làn sóng mất giá và thả nổi giá nội tệ so với đồng USD ở các thị trường và các nước sản xuất chính khiến cho không chỉ xuất khẩu tôm mà cả các mặt hàng khác của Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Mỹ.

Theo VASEP trước những thách thức về nhu cầu sụt giảm, vòng xoáy giảm giá xuất khẩu nông thủy sản nói chung, xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ so với những tháng đầu năm và vẫn thấp hơn 20%-25% so với năm 2014.

Cũng có chung nhận định về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khó đạt mục tiêu, tại buổi Họp báo mít tinh kỷ niệm 70 năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 04/11, Bộ này cũng đưa ra đánh giá, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không đạt mục tiêu là bởi năm 2015 ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kép.

Trước hết, thời tiết năm 2015 diễn biến phức tạp trên cả nước. Mưa lũ lớn tại miền Bắc, hạn hán nặng tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn sâu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động xấu đến sản xuất và đời sống của người dân, khiến cho trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đều bất lợi, sản lượng giảm sút, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu.

Khó khăn thứ hai đến từ các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. Từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã phá giá đồng tiền mạnh mẽ so với đồng USD.

Trong khi đó, tỷ giá giữa VNĐ và USD mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nhưng so với mức phá giá đồng tiền mạnh mẽ tại nhiều quốc gia vẫn thấp hơn đáng kể. Điều này khiến cho nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ, kém sức cạnh tranh so với giá bán của nhiều quốc gia khác, như: Thái Lan, Trung Quốc…

Ngoài ra, thời gian qua không ít thị trường xuất khẩu của hàng nông, thủy sản Việt Nam cũng nâng hàng rào kỹ thuật lên, gây thêm khó khăn. Đồng thời, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã tham gia thị trường mạnh mẽ hơn, tăng thêm áp lực cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Điển hình như hiện nay, cạnh tranh trong xuất khẩu giữa gạo Việt Nam với gạo Thái Lan và Myanma đã gay gắt hơn hẳn so với khoảng thời gian 2-3 năm về trước./.