Vai trò đắc lực trong tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm

Để phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/ĐTN, ngày 24/3/2015 về phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên, đồng thời triển khai tới 100% cơ sở Đoàn trong huyện.

Huyện đoàn đã xây dựng và đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong việc phát triển kinh tế tập thể của thanh niên năm 2015 như: 100% cơ sở Đoàn tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm phát triển mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên do Ban Thường vụ Đoàn cấp trên tổ chức, 100% hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên được tư vấn pháp lý về các lĩnh vực liên quan đến phát triển các loại hình liên kết hợp tác…

Huyện đoàn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thực hiện được 15 chuyên mục (trong 2 tháng 3,4/2015) tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể của thanh niên với các nội dung như: Nghị quyết TW 7 (Khoá X) của Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”; Nghị quyết TW 5 (Khoá IX) và Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 5 (Khoá IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Luật Thanh niên, Luật Hợp tác xã, các tấm gương tiên tiến điển hình làm kinh tế giỏi trong phát triển kinh tế tập thể, như: Đồng chí Vũ Thế Phong với Tổ hợp tác sản xuất nấm tại xã Thanh Hải, Nguyễn Văn Tùng với HTX mỳ Tùng Chi tại xã Nam Dương, thanh niên Đinh Văn Hùng với mô hình Công ty thu mua nông sản Hạ Long tại xã Giáp Sơn…

Tại cơ sở xã, 100% thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trên hệ thống truyền thanh cơ sở. 30/30 Đoàn xã, thị trấn đã trao đổi, tọa đàm kinh nghiệm phát triển mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên, phát triển kinh tế tập thể vào các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội tại cơ sở. Qua đó, giúp đoàn viên thanh niên học hỏi, giúp nhau cùng phát triển kinh tế.

Các đoàn xã, thị trấn đến nay đã phối hợp với các ngành tổ chức được 18 buổi chuyển giao phổ biến kỹ thuật. Từ giá trị kinh tế của cây ăn quả trong năm 2014, phong trào chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện diễn ra mạnh mẽ, thanh niên nông thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa và vải thiều sang trồng các loại cây ăn quả có múi như: cam canh, cam vinh, bưởi diễn…đem lại giá trị kinh tế cao.

Nhờ những nỗ lực trên, đến hết tháng 5/2015, trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã thành lập và phát triển được 04 mô hình hợp tác xã/ tổ hợp tác thanh niên; 06 doanh nghiệp thanh niên và 40 mô hình thanh niên phát triển kinh tế giỏi (có thu nhập từ 50 triệu đồng/lao động/năm).

Đẩy mạnh sử dụng hiệu quả vốn vay

Phát triển kinh tế tập thể hay bất cứ mô hình nào khác thì vai trò của việc hỗ trợ nguồn vốn đều rất quan trọng. Xác định tinh thần này, công tác phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng được quan tâm thực hiện tại huyện đoàn Lục Ngạn.

Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/ĐTN ngày 14/02/2015 về kiểm tra thực hiện công tác quản lý tín dụng ủy thác và vay vốn qua tổ chức Đoàn năm 2015; Huyện đoàn chia thành 3 tổ đi kiểm tra kết quả việc sử dụng vốn 120, nguồn vốn vay ủy thác để phát triển kinh tế tập thể tại cơ sở. Trong 4 tháng đầu năm 2015, đã kiểm tra được 28 lượt tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai kịp thời các chính sách vay vốn ưu đãi tới nhân dân, thường xuyên đôn đốc, xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng, huy động gửi tiết kiệm. Cùng với đó là chỉ đạo Ban Chấp hành Đoàn các xã, thị trấn khảo sát tình hình sử dụng nguồn vốn vay, tổng số dư nợ của các tổ TK&VV trên địa bàn, báo cáo về Huyện đoàn để kịp thời điểu chỉnh, bổ sung.

Huyện đoàn cũng đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Ngạn tổ chức triển khai thực hiện, ký kết văn bản với cơ sở; đảm bảo đủ các thủ tục cho vay đúng đối tượng, đúng thời gian cũng như mức vay. Triển khai giải ngân vốn nhanh, có trọng điểm, không phân tán vốn nhằm tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn sai mục đích.

Để nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể

Muốn phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên thời gian tới, huyện đoàn Lục Ngạn xác định cần phải chú trọng 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, tham gia tích cực vào chuỗi liên kết “Bốn nhà”, gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, tạo được sự ổn định trong việc tìm các sản phẩm “đầu vào” và đa dạng hóa “đầu ra”.

Thứ hai, tổ chức tham quan các mô hình hợp tác phát triển kinh tế tiêu biểu trong và ngoài Tỉnh cho cán bộ quản lý trực tiếp các hợp tác xã thanh niên và đoàn viên thanh niên có nhu cầu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các tấm gương tiên tiến điển hình trong phát triển kinh tế tập thể qua các năm, để các đơn vị cơ sở học tập và làm theo.

Thứ tư, hàng năm tiến hành tổng kết, biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực trên địa bàn./.